Thời sự

Nhồi thêm "lô cốt" vào các tuyến đường hay ùn tắc ở Hà Nội

Nhồi thêm 'lô cốt' vào các tuyến đường hay ùn tắc ở Hà Nội - Ảnh 1.

Lo ngại các “điểm đen” ùn tắc mới

Để mở rộng phạm vi xây dựng hệ thống mương thu gom nước thải về nhà máy tại Yên Xá (Thanh Trì), sau khi quây rào chiếm 2/3 lòng đường các tuyến phố Nguyễn Xiển , ven sông Tô Lịch, Vũ Trọng Khánh, dự án đang có kế hoạch tiếp tục quây rào trên các tuyến đường có mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, như Nguyễn Trãi, Lương Thế Vinh, Chu Văn An…

Ngày 20/3, trên đường Lương Thế Vinh, PV Tiền Phong ghi nhận, sau khi khoan thăm dò 7 vị trí nằm trải dài trên đường Lương Thế Vinh đoạn từ Phùng Khoang đến phố Nguyễn Trãi, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội (Ban Hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp) đã cho quây rào thực hiện hố ga thu gom nước tại đoạn giao với phố Phùng Khoang.

Tiếp đến từ cuối tuần qua, việc quây rào thực hiện hố thu gom thứ 2 diễn ra tại đoạn từ số nhà 90 đến 182 Lương Thế Vinh. Tại 2 vị trí này, hàng rào công trường đều chiếm toàn bộ lòng đường Lương Thế Vinh và một phần vỉa hè hai bên.

Hàng rào thi công tại 2 vị trí này chỉ dành khoảng 50 - 70 cm vỉa hè để xe máy lách qua, còn ô tô bị cấm hoàn toàn. Để thi công 7 hố ga thu nước trên đường Lương Thế Vinh, chủ đầu tư cho biết, cần thời gian khoảng 1 năm (cuối năm 2023 hoàn thành).

Trên đường Chu Văn An (Vành đai 3 đi Xa La), chủ đầu tư cũng đang dựng rào thi công chiếm 2/3 lòng đường. Do là tuyến đường có mật độ giao thông đông nên việc quây rào phạm vi lớn đã khiến ùn tắc giao thông diễn ra vào giờ cao điểm, phương tiện mất cả giờ để di chuyển qua đây.

Trên đường Nguyễn Trãi hướng Hà Đông đi Thanh Xuân, theo kế hoạch, chủ đầu tư dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá sẽ dựng 4 vị trí hàng rào công trường, trong đó hàng rào thứ nhất được xác định từ vị trí gần nút giao với đường Lương Thế Vinh, tiếp đến là các hàng rào nối nhau đến nút giao thông Thanh Xuân.

Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Đội trưởng Đội CSGT số 7, Phòng CSGT Hà Nội, cho biết, do lưu lượng phương tiện đông nên giờ cao điểm giao thông trên đường Nguyễn Trãi và nút giao Thanh Xuân đi lại đã khó khăn, nay nếu xuất hiện tới 4 “lô cốt” thì không biết giao thông sẽ ùn tắc và phức tạp thế nào.

“Nếu không có giải pháp thi công khoa học và tổ chức giao thông hợp lý thì đường Nguyễn Trãi rất dễ trở thành điểm đen ùn tắc mới”, lãnh đạo Đội CSGT số 7 lo ngại.

Đề cập đến công tác cấp phép thi công trên đường Nguyễn Trãi, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, để tránh trường hợp chủ đầu tư cho rào đường nhưng chưa có phương án thi công, Sở đã phối hợp Phòng CSGT Hà Nội họp và yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu báo cáo phương án tổ chức, đảm bảo giao thông. "Sở dĩ đường Nguyễn Trãi chưa thể cấp phép để thi công vì đây là tuyến đường có mật độ giao thông lớn, Sở GTVT đang yêu cầu chủ đầu tư đưa ra các phương án cụ thể, khả thi hơn, tránh việc rào đường xảy ra ùn tắc kéo dài như đã xảy ra trên đường Nguyễn Xiển", đại diện Sở GTVT Hà Nội nói.


Ý kiến của chủ đầu tư

Dự án hệ thống nước thải Yên Xá do Ban Hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội làm chủ đầu tư, được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt năm 2013, tổng mức đầu tư dự án là hơn 16.200 tỷ đồng (vốn vay ODA của Nhật Bản). Thời gian thực hiện dự án từ năm 2013 đến 2021 (dự án đang bị chậm tiến độ 2 năm).

Theo tiến độ, đến nay việc thi công hố ga thu nước trên đường Nguyễn Trãi, Nguyễn Xiển, Lương Thế Vinh và Chu Văn An lẽ ra phải xong cả năm nay, nhưng trên các tuyến đường này, công trường còn thi công dang dở, hàng rào chiếm đường cả năm nay, ảnh hưởng đến giao thông đi lại. Dự án đang phát sinh thêm một số “điểm đen” ùn tắc cho giao thông Hà Nội. Riêng đường Nguyễn Trãi có 4 hố ga, hiện chưa có hố nào được thi công.

Thông tin với báo chí về quá trình thi công dự án, ông Chu Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Hạ tầng kỹ thuật và nông nghiệp Hà Nội, vừa cho biết, dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá thành phố Hà Nội là dự án trọng điểm của UBND thành phố sử dụng nguồn vốn vay ODA của Nhật Bản.

Mục tiêu của dự án là thu gom nước thải sinh hoạt đưa về nhà máy xử lý nước thải trước khi xả ra bên ngoài, góp phần cải thiện môi trường nguồn nước và các dòng sông của Hà Nội, như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét…

Để hoàn thành dự án theo tiến độ, ông Tuấn cho biết, hiện việc mở rộng thi công các giếng thu gom nước được triển khai trên nhiều tuyến phố, trong đó có đường Lương Thế Vinh, Nguyễn Trãi, Chu Văn An… Với phố Lương Thế Vinh, sau khi hoàn thành giếng thu thứ nhất, nhà thầu đang thực hiện 6 hố ga thu còn lại và dự kiến xong trong năm 2023.

Cùng với đó, chủ đầu tư đang làm các thủ tục để cơ quan chức năng cấp phép thi công các hố ga trên đường Nguyễn Trãi. “Ban Quản lý dự án rất mong người dân và dư luận cùng chia sẻ.

Trên thực tế, phương án thi công hiện nay đã được tính toán lựa chọn kỹ lưỡng, là phương án ít ảnh hưởng nhất đến các hoạt động của người dân trong khu vực”, ông Tuấn nói.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm