Tại phiên chất vấn do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 20-3, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Cán bộ tự sống bằng đồng lương của mình hết sức khó khăn
Đại biểu Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) hỏi Viện trưởng VKSND Tối cao về “giải pháp hữu hiệu nhất” để để phòng ngừa, răn đe tội phạm tham nhũng, để “không dám, không muốn và không làm ăn phi pháp”.
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí tại phiên chất vấn chiều 20-3. Ảnh: PHẠM THẮNG
Đáp lại, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí cho rằng muốn “không thể, không dám, không muốn” có ba cách.
Thứ nhất, cần có cơ chế quản lý, có hệ thống pháp luật chặt chẽ để “không thể”. Thứ hai, phần “không dám”, theo ông Lê Minh Trí, hiện nay những đối tượng chủ mưu, cầm đầu có ý đồ chiếm đoạt, vụ lợi bị điều tra, xử lý nghiêm.
“Chính chỗ này răn đe, làm cho những đối tượng có ý đồ không lành mạnh, vi phạm pháp luật nghiêm trọng phải "chờn". Đây là chủ trương chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng hiện nay. Tôi tin rằng đã có một tác động đáng kể vào tư tưởng của những người có ý đồ vi phạm pháp luật nghiêm trọng”- ông Trí nói.
Thứ ba, phần “không muốn”, Viện trưởng VKSND Tối cao cho rằng chế độ chính sách cho cán bộ ở các cấp nói chung, dù thời gian qua có nhiều cố gắng, nhưng “hình như với chế độ, chính sách hiện hành hiện nay, cán bộ nếu tự sống bằng đồng lương của mình hết sức khó khăn”.
“Một tỷ lệ sống được cũng là nhờ vào các nguồn khác, có khi nhờ cha mẹ, nhờ anh em, có khi anh này có vợ nhờ bên vợ, chị có chồng nhờ bên chồng, tức là có sự hỗ trợ để thực hiện công việc. Còn nếu nói chế độ chính sách hiện hữu là hết sức khó khăn, đặc biệt ở cấp cơ sở”- ông Lê Minh Trí cho hay.
“Chúng ta đòi hỏi công việc tốt, nhưng chúng ta cũng phải nghiên cứu có lộ trình, giải pháp để có chế độ, chính sách đảm bảo được mức tối thiểu cho cán bộ an tâm công tác. Còn bây giờ, chúng ta nói rằng không muốn, không muốn thì phải đủ, tất nhiên cái “đủ” ở đây không thể vô cùng được”- ông Trí nói.
Ông cho rằng dù nguồn ngân sách có hạn, nhưng chúng ta cũng cần quan tâm đến việc này để ít nhất cũng giảm bớt khó khăn cho những người tâm huyết, nhiệt huyết, đang muốn làm, muốn giữ gìn đạo đức trong sáng, giữ gìn đạo đức nghề nghiệp của mình.
Đi đôi với xử lý nghiêm, cần phải xử lý nhân văn
“Viện trưởng nêu quan điểm về tính nhân văn, việc phân hoá xử lý trong các vụ án tham nhũng, kinh tế sẽ mang lại hiệu quả cao và phù hợp với xu hướng tiên tiến của nền tư pháp.
Với vai trò là người đứng đầu ngành kiểm sát, xin Viện trưởng cho biết các tiêu chí và lộ trình tham mưu Quốc hội ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để hướng dẫn quan điểm nêu trên”- từ Bình Dương, Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân chất vấn.
Trả lời, ông Lê Minh Trí cho rằng trong công tác xây dựng pháp luật, VKSND Tối cao “chủ trì” hay “tham gia” đều do sự phân công của Quốc hội và cấp thẩm quyền.
“Thực tiễn qua các vụ án và thực tiễn trong công việc, chúng tôi thấy đi đôi với xử lý nghiêm cần phải xử lý nhân văn”- lãnh đạo ngành kiểm sát cho hay Tổng Bí thư đã yêu cầu Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và các cơ quan chức năng quán triệt điều này.
Tuy nhiên, chủ trương này phải được “pháp luật hóa” bằng các quy định của pháp luật. Ông Lê Minh Trí cho rằng giao nhiệm vụ này cho cơ quan nào là thẩm quyền của Quốc hội. “Viện trưởng không xung phong, giao Viện trưởng cũng nhận nhưng nhận cũng phải đủ ban bệ và cơ quan chức năng để làm việc này. Chúng tôi kiến nghị thôi, còn giao cho cơ quan nào do Quốc hội xem xét”- ông Lê Minh Trí nói.
“Đại biểu hỏi chừng nào làm xong thì Viện trưởng chưa được giao, không trả lời được, mà có giao thì Viện trưởng cũng sẽ đòi giao làm cùng với ai chứ không thể làm một mình được.
Còn tinh thần là cần phải làm sớm để giải quyết được cái lớn hơn là vừa nghiêm trị, răn đe, giáo dục, nhưng vừa nhân văn, vừa tạo điều kiện, sự ổn định để an tâm phát huy năng động, sáng tạo của cán bộ, để làm tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế đất nước”- vẫn lời ông Trí.