Anh Nguyễn Hữu Tuấn (43 tuổi, Hòa Bình) là một nhà đầu tư bất động sản từng thu về số tiền lời lên đến tới 50% giá trị gốc khi lướt sóng bất động sản vào thời điểm thị trường này “sốt nóng”. Từ đó anh lao vào lĩnh vực này, đến đầu năm 2022, nhà đầu tư này đã vay ngân hàng 5 tỷ đồng nhằm phục vụ cho việc đầu tư đất với kỳ vọng sẽ lãi được cao hơn nhờ việc “mua đi bán lại”.
Tuy nhiên, cũng từ thời điểm này, thị trường bất động sản xuống dốc không phanh, anh Tuấn gần như “chết đứng” do không thể thoát được hàng. Quá bế tắc, nhà đầu tư này đành chấp nhận đi vay nóng với mức lãi “cắt cổ” để có tiền trả nợ.
Anh Tuấn chia sẻ: “Trong đợt vay nóng đầu tiên, chỗ cho vay người ta tính lãi theo ngày, tầm khoảng 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày. Tuy nhiên, sau này khi thị trường bất động sản đóng băng, bên cho vay nóng lại tính lãi theo tháng từ 20-30 nghìn đồng/1 triệu đồng/tháng. Hiện giờ, tôi phải trả khoảng 60 triệu đồng mỗi tháng cho khoản tiền vay 2 tỷ đồng”.
Ảnh minh họa
Hiện nay, anh Tuấn và gia đình đang rất lo lắng, sợ một lúc nào sẽ bị giang hồ đến tận nhà để đòi nợ, vì khả năng trả nợ ngày một yếu đi. Có nhiều nhà đầu tư là bạn bè của anh Tuấn cũng bị người ta siết nợ nên phải bỏ nhà đi biệt xứ hoặc sang tên đất cho chủ nợ với mức giá rất thấp. Thậm chí, có một vài người nợ đến hàng chục tỷ đồng vì đầu tư bất động sản nên phải chấp nhận mất trắng các lô đất có giá trị 5-6 tỷ đồng, vì phải dùng để gán cho chủ nợ.
Do không thể thoát được hàng, nên kinh tế gia đình nhà đầu tư này ngày một eo hẹp. Khoảng hơn 2 tháng nay, anh này liên tục khất nợ nên số nợ gốc và lãi vay liên tục tăng lên. “Tôi đành phải chậm đóng lãi 3 tháng nên giờ nợ gốc đã tăng lên 150 triệu đồng. Trong khi đó, đất không bán được, vay ngân hàng cũng không xong nên bây giờ tôi đang trong tình trạng trắng tay và ôm một đống nợ nần”, anh nói.
Tương tự, anh Linh (Hoài Đức, TP Hà Nội) cũng đang trong tình cảnh tương tự, nợ chồng nợ vì tham gia lướt sóng bất động sản trong những thời điểm sốt đất. Hồi đầu năm 2022, anh Linh đã đầu tư gần 5 tỷ đồng vào thị trường đất nền Hòa Bình cùng với một số nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, đến nay, anh này chưa thể bán được bất kỳ một lô đất nào để thu vốn vì thị trường bất động sản “lao dốc”.
Anh Linh đã vay ngân hàng 1,5 tỷ đồng trong vòng 120 tháng, hiện nay toàn bộ vốn liếng đã dồn vào việc đầu tư, nên anh đang phải vay tiền để kiếm từng bữa ăn hàng ngày. Trước kia ở nhà đẹp, đi xe hơi hạng sang, nhưng giờ đây anh và vợ con phải chuyển ra ở trọ tạm thời, vì kinh tế quá khó khăn.
Hiện nay khoản lãi hàng tháng anh phải trả cho ngân hàng là khoảng 25 triệu đồng, trong khi mức thu nhập của 2 vợ chồng chỉ khoảng 30 triệu đồng đồng mỗi tháng, nên đành phải đi vay thêm tiền để trang trải cuộc sống.
Chia sẻ về vấn đề này, chị Nguyễn Hoa Lê – Môi giới đất nền ở khu vực Thạch Thất cho rằng, hiện tại số lượng đất nền mà rất nhiều nhà đầu tư gửi bán cắt lỗ khá nhiều. Tuy nhiên, không có bất kỳ người mua nào. Một số nhà đầu tư “sốt ruột”, đành phải chấp nhận bán lỗ bằng một nửa giá gốc, vậy nhưng, cũng chưa thể thoát được hàng nên buộc “gán tài sản” cho ngân hàng để giải quyết khoản nợ đã vay.
Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, tại nhiều tỉnh thành đang chứng kiến nhu cầu tìm mua bất động sản trong quý III/2022 giảm nhiều so với các quý trước. Mặt bằng giao dịch bất động sản giảm từ 19% đến 33%, giá đất có đang xu hướng chững lại và giảm giá bán khá sâu. Hàng loạt những chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu đã khiến người mua e ngại, tình trạng nhà đầu tư bị kẹt vốn do thanh khoản kém đang diễn ra khá phổ biến hiện nay.