Cụ thể, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, mã chứng khoán: EIB) vừa công bố tài liệu dự thảo cho cuộc họp đại hội đồng cổ đông dự kiến diễn ra vào ngày 14/4 sắp tới tại Trung tâm Hội nghị GEM CENTER (Tp. Hồ Chí Minh).
Trong đó, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ lên hơn 17.469 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Eximbank dự kiến phát hành 265,5 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 18%. Thời gian thực hiện trong năm 2023. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn lợi nhuận còn lại lũy kế năm trước (đến cuối năm 2021) và lợi nhuận của năm 2022 sau khi trích lập các quỹ.
Theo tờ trình, vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của ngân hàng, dự kiến cho các lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ, xây dựng trụ sở làm việc, mở rộng mạng lưới hoạt động, đầu tư công nghệ và tài sản cố định.
Ngoài ra, Hội đồng quản trị Eximbank còn dự kiến sẽ đề xuất bán hơn 6 triệu cổ phiếu quỹ được mua từ năm 2014 và được nắm giữ đến thời điểm hiện tại. Thời điểm bán cổ phiếu quỹ dự kiến sau khi đã hoàn tất đợt phát hành cổ phiếu để trả cổ tức.
Cũng theo tài liệu dự thảo gửi tới cổ đông, Eximbank đặt mục tiêu kết thúc năm 2023, lợi nhuận trước thuế đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2022; tổng tài sản đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 13,5% so với năm trước.
Huy động vốn dự kiến tăng 11% lên 165.000 tỷ đồng, dư nợ cấp tín dụng, bao gồm trái phiếu doanh nghiệp, tăng 12,3% lên 146.600 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát không quá 1,6%. Riêng chỉ tiêu về dư nợ tín dụng, Eximbank cho biết có thể được điều chỉnh theo định hướng điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Cũng lên kế hoạch tăng mạnh vốn điều lệ, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB, mã chứng khoán: NVB) dự kiến trình cổ đông thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ nhằm tăng gấp đôi vốn điều lệ hiện có.
Cụ thể, NCB lên kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô tương đương 111% vốn điều lệ của ngân hàng tại thời điểm chào bán. Sau khi hoàn tất, vốn điều lệ của NCB sẽ từ mức hơn 5.601 tỷ đồng lên hơn 11.801 tỷ đồng.
NCB cũng cho biết có thể chào bán thành một hoặc nhiều đợt phát hành tùy thuộc tình hình thị trường, việc thương lượng và đàm phán với các nhà đầu tư. Các đợt chào bán cách nhau ít nhất 6 tháng kể từ ngày kết thúc đợt chào bán gần nhất.
Thời gian dự kiến phát hành và hoàn thành trong năm 2023, 2024 và 2025, thời gian thực hiện cụ thể sẽ do Hội đồng quản trị quyết định trên cơ sở giấy phép hoặc chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và đảm bảo phù hợp với quy định của pháp luật.
Theo NCB, mục đích chào bán là nhằm bổ sung nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính của ngân hàng, bao gồm việc cải tạo, nâng cấp hình ảnh thương hiệu, xây dựng nhận diện thương hiệu, công nghệ và chuyển đổi số, bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh và các mục đích khác phù hợp với hoạt động kinh doanh, tăng cường năng lực tài chính cho ngân hàng.
Ngoài ra, NCB còn đặt mục tiêu tổng tài sản đến cuối năm 2023 tăng 5% đạt 94.500 tỷ đồng; tổng huy động và cho vay khách hàng đạt lần lượt 78.000 tỷ đồng và 57.700 đồng, tăng trưởng 6% và 22% so với năm 2022.
Đại hội đồng cổ đông thường niên của NCB dự kiến được tổ chức vào ngày 8/4/2023 tại Trụ sở chính của ngân hàng, 28C-28D Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ngoài NCB và Eximbank, trong nửa đầu tháng 4 cũng diễn ra lịch họp đại hội cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vào 11/4 tại Khách sạn Melia, số 44B Lý Thường Kiệt, Hà Nội và Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vào ngày 13/4 tại Khách sạn Sheraton, số 88 Đồng Khởi, quận 1, Tp. Hồ Chí Minh.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dự kiến sẽ tổ chức đại hội vào ngày 18/4 tại Hà Nội.
Sang đến ngày 21/4 sẽ là đại hội của Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank), Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) tại Hà Nội và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) tại Hội trường Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Vietcombank, Khu đô thị Ecopark (Hưng Yên). Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) dự kiến tổ chức đại hội tại Hội trường Khách sạn Xanh, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An vào ngày 22/4.
Ngày 25/4 sẽ diễn ra đại hội đồng cổ đông thường niên Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB), Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) tại Hà Nội và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tại Tp. Hồ Chí Minh.
Ngày 26/4, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (VietBank) và Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) sẽ tổ chức đại hội tại Tp. Hồ Chí Minh. Ngày 27/4 tiếp tục đại hội của Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) tại Hà Nội.
Ngày 28/4, dự kiến diễn ra đại hội của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) tại Tp. Hồ Chí Minh và Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) tại Quảng Bình.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng dự kiến sẽ tổ chức đại hội trong tháng 4 nhưng chưa chốt lịch cụ thể.
Trước đó, đã có 2 ngân hàng tổ chức thành công đại hội cổ đông sớm nhất ngay trong tháng 3 là Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) và Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank).
Tại cuộc họp, đại hội đồng cổ đông VIB đã thông qua kế hoạch trả cổ tức 15% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu trong năm 2023. Với việc tăng vốn bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của VIB sẽ tăng lên hơn 25.368 tỷ đồng từ mức gần 21.077 tỷ đồng hiện nay.
Theo lãnh đạo VIB, sang tới năm 2023, nếu không có sự giới hạn của Ngân hàng Nhà nước, VIB có thể chia cổ tức trên 30%.
Còn tại NamABank, đại hội đã thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25%. Đồng thời, đại hội cũng thông qua kế hoạch đăng ký niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành lên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) hoặc Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) tùy điều kiện của thị trường.