
Theo thông tin từ Bộ Công an, ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang đã chủ trì buổi làm việc với Tổng công ty Viễn thông MobiFone.
Sau khi về Bộ Công an, MobiFone đã trình Bộ Công an ban hành điều lệ tổ chức, hoạt động và có hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Tổng công ty là doanh nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh.
Về chiến lược phát triển, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, MobiFone đã có phương án để xây dựng Chiến lược phát triển giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến 2045, bảo đảm đánh giá toàn diện, chính xác năng lực, cơ hội, thách thức và định hình chiến lược, các định hướng của MobiFone trong giai đoạn mới.
MobiFone đang xây dựng đề án tái cơ cấu tổ chức theo hướng bỏ cấp trung gian, hình thành các đơn vị kinh doanh theo địa bàn tỉnh; xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút nhân tài, chuyên gia giỏi trên các lĩnh vực về doanh nghiệp này làm việc nhằm đáp ứng hiệu quả nhiệm vụ trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lương Tam Quang cho biết, việc chuyển giao MobiFone về Bộ Công an khẳng định sự quan tâm, chăm lo đặc biệt của Đảng, Nhà nước trong việc phát triển doanh nghiệp này nhằm góp phần phát triển công nghiệp an ninh, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số của ngành Công an theo đúng tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Để thực hiện được nhiệm vụ đó, Bộ trưởng Lương Tam Quang đề nghị Tổng công ty phải tập trung nghiên cứu các thế mạnh của MobiFone để cho ra được những sản phẩm viễn thông, công nghệ phục vụ có hiệu quả trong việc phát triển doanh nghiệp và lợi ích quốc gia.
Ngoài ra, Bộ trưởng Lương Tam Quang nhấn mạnh, MobiFone phải chú ý xây dựng hành lang pháp lý đảm bảo cho sự hoạt động của Tổng công ty nhằm tạo điều kiện thuận lợi và tháo gỡ những rào cản, vướng mắc để MobiFone có điều kiện phát triển vững mạnh, đặc biệt khi MobiFone trở thành doanh nghiệp an ninh.
Các chuyên gia cho rằng, việc MobiFone chuyển về Bộ Công an được xem là mảnh ghép quan trọng trong hệ sinh thái Chính phủ số, công dân số, xã hội số với sức mạnh của Đề án 06 đang là nền tảng quan trọng trong chuyển đổi số đất nước. Khi về Bộ Công an, MobiFone sẽ có thêm cơ hội phát triển hạ tầng đáp ứng yêu cầu của Chính phủ để phát triển hạ tầng số cho Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Sau khi Chính phủ đồng ý chuyển MobiFone về Bộ Công an, cơ bản thị trường viễn thông sẽ có 3 doanh nghiệp chủ đạo gồm Viettel trực thuộc Bộ Quốc phòng, VNPT thuộc Bộ Tài chính còn MobiFone về Bộ Công an. Điều này tốt cho cạnh tranh trên thị trường viễn thông khi cán cân tương đối cân bằng.
Chia sẻ với VietNamNet về vấn đề này, ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT, cho hay về cơ bản việc chuyển đổi này vẫn nằm trong quy hoạch của Bộ TT&TT được ban hành từ năm 2010. Việc chuyển MobiFone về Bộ Công an vẫn hình thành thị trường di động theo chiến lược mà Bộ TT&TT đưa ra trước đây.