Kinh doanh

‘Bán sữa Abbott lãi 10.000 đồng/hộp, bán sữa giả lãi 300.000 đồng/hộp’

Tóm tắt:
  • Sữa giả đang là vấn nạn lớn tại Việt Nam, thu hút sự chú ý của dư luận.
  • Đại lý bán sữa cho biết lời từ sữa giả gấp nhiều lần so với sữa thật.
  • Thị trường sữa Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới.
  • Các doanh nghiệp sữa đang cạnh tranh quyết liệt và mở rộng kênh phân phối.
  • Cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất đến phân phối để ngăn chặn sữa giả.

“Bán một lon [hộp - pv] Abbott lời có 10 ngàn, mà bán một lon sữa giả, lời 300 ngàn nên thiên hạ đua nhau bán. Nhưng tôi có con nhỏ, tôi không dám làm chuyện thất đức”, bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, thuật lại lời một đại lý bán sữa ở Vĩnh Long mà bà gặp được trên đường đi công tác.

Sữa giả trở thành vấn nạn nhức nhối và thu hút sự quan tâm của dư luận trong những ngày gần đây khi cơ quan chức năng phát hiện đường dây sản xuất, tiêu thụ sữa bột giả quy mô lớn. Theo nhà chức trách, có gần 600 thương hiệu sữa giả đã được bán ra trên thị trường. 

Những sản phẩm sữa giả được quảng cáo có chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó, song thực tế không có. Để đánh lừa người dùng, nhà sản xuất đã bỏ đi một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung các chất phụ gia khác.

Một trong những thương hiệu sửa giả bị cơ quan chức năng phát giác. (Ảnh: VTV).

Việt Nam có một thị trường sữa phát triển nhanh, quy mô lớn và nhu cầu tiêu thụ cao. Báo cáo từ IMARC Group cho biết thị trường sữa Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 9,4% trong giai đoạn 2024 - 2032.

Nghiên cứu của Statista dự kiến khối lượng sản xuất sữa tại Việt Nam sẽ đạt 2,53 tỷ kg vào năm 2028. Thị trường sữa dự kiến sẽ có tốc độ tăng trưởng về khối lượng là 5% vào năm 2025. Khối lượng sữa trung bình mà mỗi người dân tiêu thụ ước đạt khoảng 20,7 kg vào năm 2024.

Tuy nhiên, theo Virac, hiện nay ngành sữa Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu và cơ sở hạ tầng sản xuất còn hạn chế đã dẫn đến sự bất cân xứng giữa cung và cầu.

Ngoài ra, thị trường cũng chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp hoạt động trong ngành này, và có 40 doanh nghiệp chuyên sản xuất và phân phối sữa.

Phần lớn thị phần thuộc về các doanh nghiệp trong nước (khoảng 75%), trong khi phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài (khoảng 25%). Các doanh nghiệp hàng đầu trong nước bao gồm Vinamilk, TH True Milk, Nutifood, IDP và Mộc Châu Milk. Trong khi đó, các doanh nghiệp hàng đầu nước ngoài bao gồm FrieslandCampina (Hà Lan), Nestlé (Thụy Sĩ), Abbott (Mỹ), Mead Johnson (Mỹ) và Fonterra (New Zealand). 

Hiện nay ngành sữa Việt Nam chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu thụ trong nước. (Ảnh: Đức Huy).

Để giành lấy thị phần và lòng tin của người tiêu dùng, các "ông lớn" trong thị trường sữa đều triển khai những chiến lược kinh doanh riêng, bao gồm đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm, mở rộng mạng lưới phân phối, tăng cường quảng bá và xây dựng thương hiệu, cũng như áp dụng các chính sách giá và khuyến mãi.

Trong đó, mở rộng kênh phân phối và tăng nhận diện thương hiệu là hai cách phổ biến của những “đại gia” ngành sữa nhằm giành thêm thị phần. Từ 2016, Vinamilk bắt đầu mở chuỗi cửa hàng Giấc mơ sữa Việt, theo đuổi triết lý kinh doanh đa kênh, bán cả online lẫn offline.

Đến nay, Vinamilk có khoảng hơn 600 cửa hàng vật lý bán sữa cho chính hãng quản lý. Mỗi cửa hàng có khoảng từ 250 đến 260 sản phẩm. Tương tự, TH true Milk mở những cửa hàng đầu tiên vào năm 2011, và hiện họ có gần 300 cửa hàng phân phối sữa trên toàn quốc. 

Muộn hơn, tới năm 2021, Nutifood mới bắt đầu triển khai hệ thống cửa hàng riêng. Chia sẻ tại thời điểm ra mắt, Nutifood cho biết đây là dự án trọng tâm của họ và mong muốn mỗi cửa hàng sẽ tiếp cận tới 1.000 hộ gia đình. 

Trước khi xuất hiện mô hình chuỗi cửa hàng này, tất cả việc phân phối sữa của các ông lớn đều phải dựa vào những đại lý bên ngoài như bà Vũ Kim Hạnh kể trên. Đại lý phân phối cũng là mắt xích trực tiếp giao tiếp với khách hàng. Do đó, nếu đại lý ưu tiên lợi nhuận, bất chấp bán những sản phẩm nguồn gốc không rõ ràng cho khách hàng thì đây có thể là một con đường giúp sữa giả “sống tốt”.

Phương cách phổ biến đường dây sữa giả phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng là qua kênh đại lý, theo bà Hạnh. Nhà sản xuất sẽ ký gửi sản phẩm ở các cửa hàng bán sữa, người bán không cần trả trước tiền mua. 

“Vốn 50.000 đồng, bán tối tiểu 350.000 đồng - gấp 7 lần, không phải bỏ vốn”, bà Hạnh tiết lộ thông tin. Sau 6 tháng, nhà sản xuất kiểm hàng, thương hiệu nào bán chạy thì bổ sung thêm, không bán chạy mang về thay bao bì, đặt tên khác, ký gửi tiếp.

“Tiền bán được cưa đôi. Không cần vốn, lời 150.000 đồng dễ ợt và lại rất an toàn vì không hề bị kiểm tra, lại còn được các bác sĩ giới thiệu trong khi ra toa tại bệnh viện, được bán mẫu trong cửa hàng thuốc bệnh viện. Vì thế các cửa hàng bán sữa cỏ mọc lên như nấm chung quanh các bệnh viện sản, nhi, bệnh ung thư…và ở các vùng ven, ngoại thành”, bà Hạnh nêu nguyên nhân sữa giả hoành hành.

Để chặn đường đi của sữa giả trên thị trường, ngoài siết chặt quảng cáo và quản lý các đại lý/kênh phân phối, theo Chủ tịch Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao, cần phải kiểm soát ngay từ nguồn - tức từ khâu sản xuất.

Bà Hạnh cho biết theo Nghị định 15, sản phẩm dinh dưỡng đặc biệt phải đăng ký xin cấp phép mới được lưu hành. Tuy nhiên, bà đặt vấn đề là những mẫu hộp nhà sản xuất mang đi kiểm nghiệm để xin giấy phép có đúng không, hay họ lấy sữa khác cho vào bao bì đem nộp, nhưng sau khi sản xuất và bán thì lại làm khác.

“Như vậy, chỉ có theo dõi, kiểm tra thực tế mới phát hiện được sự giả dối”, bà Hạnh nêu quan điểm. Theo bà, cần siết chặt khâu hậu kiểm - kiểm tra sản phẩm khi ra thị trường. Có hai cách là kiểm tra trực tiếp sản phẩm và kiểm tra tại cơ sở sản xuất. 

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Cảnh báo hệ luỵ từ trục lợi bảo hiểm

Thông tin một người phụ nữ ở Quảng Nam bị điều tra vì liên quan đến cái chết của con trai và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sự việc không chỉ khiến nhiều người giật mình mà còn đặt ra cảnh báo về vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp hiện nay.