Hôm nay 18.4, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 3332/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc về diễn biến giá vàng trong nước.
Xét báo cáo nhanh của Văn phòng Chính phủ về tình hình diễn biến giá vàng trong nước ngày 18.4, Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng.

3 ngày qua, giá vàng trong nước liên tục tăng thẳng đứng
ẢNH: NGUYỄN THANH
Tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại Văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 4.4; chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.
Sáng 18.4, giá vàng thế giới giảm mạnh xuống 3.327 USD/ounce, thấp hơn hôm qua 13 USD/ounce. Kim loại quý đã rớt xuống dưới mức 3.300 USD/ounce khi nhà đầu tư mạnh tay chốt lời.
Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) tiếp tục đà tăng cao lên đỉnh lịch sử chưa từng có khi bán ra 120 triệu đồng/lượng và mua vào 117 triệu đồng/lượng, tăng 1,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 2 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra sau một đêm.
Mỗi lượng vàng miếng SJC hiện đắt hơn giá vàng thế giới 15,5 triệu đồng.
Trước đó, trong 2 ngày 16.4 và 17.4, giá vàng cũng liên tiếp tăng thẳng đứng. Mức tăng giá vàng miếng SJC lần lượt ở cả chiều mua vào và bán ra trong 2 ngày là 7,5 triệu đồng/lượng và 2,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, chỉ trong vòng 3 ngày, giá vàng miếng SJC đã tăng tổng cộng 11,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 12 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra.
Trao đổi với Thanh Niên, PGS - TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) nhìn nhận, diễn biến giá vàng như trên là sự bất thường khi tốc độ tăng quá nhanh. Trước đây, chưa bao giờ giá vàng có mức tăng tới 7,5 triệu đồng/lượng trong 1 ngày.
Sự tăng giá này có thể lý giải bởi tâm lý của nhà đầu tư đã xác lập mặt bằng giá mới. Cầu tăng đột biến trong khi hạn chế nguồn cung dẫn tới giá tăng mạnh là tất yếu.
Nhiều tháng qua, giá vàng trong nước duy trì mức chênh so với giá vàng thế giới chỉ khoảng 4 - 5 triệu đồng/lượng. Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới kéo giãn như trên là rất rủi ro, có thể gây ra nhiều hệ lụy như gia tăng buôn lậu vàng, lừa đảo, vàng giả… Ngân hàng Nhà nước cần có sự can thiệp, xử lý kịp thời.