Hàng cây trên đường Trường Sơn (phường 2, quận Tân Bình - đoạn gần vào sân bay Tân Sơn Nhất) không có bồn. Thay vào đó, các gốc cây bị đè bởi những tấm bê-tông..
Các cây xanh không có bồn cây
Theo ghi nhận, có khoảng 30 cây xanh liên tiếp có gốc bị "gông" trong bê-tông. Phần lớn những cây này đã trưởng thành, có độ cao khoảng 4-5 m.
Gốc cây có có vòng kim loại ôm sát. Có những gốc cây trong quá trình lớn tràn ra khỏi vòng kim loại, phần vỏ bị xù xì, bong tróc.
Những tấm bê-tông bịt kín gốc cây
Một nắp chai nhựa bị "ăn" vào trong gốc cây
Cách đó không xa, một số cây đứng trong bồn thông thoáng
Tiến sĩ Đinh Quang Diệp, nguyên Trưởng Bộ môn Cảnh quan và Kỹ thuật hoa viên (Trường Đại học Nông Lâm TP HCM) nhận xét việc lấp bê-tông các bồn cây giúp đi lại dễ dàng nhưng không phù hợp với cây xanh trong đô thị.
Theo ông, phần gốc cây thông thoáng thì rễ cây mới có thể hô hấp và phát triển tốt. Ngược lại, khi bịt kín thì lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự sinh trưởng. Cạnh đó là còn làm giảm đi tính thẩm mỹ.
Gốc cây bị bóp nghẹt bởi những tấm bê-tông
Dùng gạch trám kín bồn cây
Việc bịt kín các bồn cây làm ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây
Bồn cây thông thoáng mang lại nhiều lợi ích hơn việc bịt kín lại
"Thay vì bịt kín lại thì phần gốc nên được thông thoáng giữa mặt đất và không gian bên trên. Bồn cây thông thoáng mang lại nhiều lợi ích. Cụ thể là tạo điều kiện sinh trưởng tốt cho cây; hỗ trợ thoát nước, làm giảm dòng chảy;..." - Tiến sĩ Đinh Quang Diệp nói.
Theo tìm hiểu, hàng cây xanh tại đây thuộc quản lý của Trung Tâm Quản lý Hạ tầng Kỹ thuật TP HCM (thuộc Sở Xây dựng).
Sáng 3-8, phóng viên báo Người Lao Động đã liên hệ với lãnh đạo đơn vị này để tìm hiểu thông tin. Đại diện đơn vị cho biết sẽ kiểm tra, rà soát và thông tin đến báo chí.