Thời sự

Là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, Mỹ quan tâm những mặt hàng nào, kinh tế liệu có ấm lên vào cuối năm?

Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen trong chuyến thăm của bà đến Việt Nam vào cuối tháng 7. (Ảnh: VGP).

Mỹ - thị trường xuất khẩu lớn nhất

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, vào năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của nước ta đạt 371,3 tỷ USD, tăng 10,5% so với năm trước.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục là động lực cho tăng trưởng chung, đạt 319,2 tỷ USD, tăng 10,1% so với năm 2021 và chiếm 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Có 36 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 mặt hàng trên 10 tỷ USD. Đứng đầu là xuất khẩu điện thoại (58 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (55,5 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng (45,8 tỷ USD).

 

 

Nhập khẩu cả năm đạt 358,9 tỷ USD, tăng 7,8% so với năm trước. Nhóm hàng nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất, tiêu dùng chiếm tỷ trọng lớn nhất 88,2%, đạt 316,7 tỷ USD.

Tính chung cả năm, Việt Nam ghi nhận mức thặng dư thương mại hàng hoá 12,4 tỷ USD, duy trì vị thế xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp.

Nói đến xuất khẩu, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của Việt Nam. Nước ta xuất khẩu sang Mỹ 109,4 tỷ USD hàng hoá, tăng 13,6% so với năm 2021 và chiếm 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Thặng dư thương mại với Mỹ đạt 94,9 tỷ USD, cao hơn năm trước 17%.

 

Theo số liệu của Cục Thống kê Dân số Mỹ, Việt Nam là đối tác thương mại hàng hoá lớn thứ 6 của nước này khi xét theo kim ngạch xuất khẩu (127,5 tỷ USD) và lớn thứ 8 khi xét theo thương mại hai chiều (139 tỷ USD).

Ngoài ra, Việt Nam cũng nằm trong nhóm các nước mà Mỹ ghi nhận thâm hụt thương mại lớn nhất, chỉ xếp sau Trung Quốc và Mexico.

Trong 5 tháng đầu năm 2023, Mỹ vẫn là nước nhập khẩu nhiều hàng hoá Việt Nam nhất, với kim ngạch hơn 43,5 tỷ USD.

 

Mỹ nhập khẩu gì từ Việt Nam?

Báo cáo năm 2022 của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nước ta ở 10 mặt hàng, gồm thuỷ sản; hạt điều; hồ tiêu; máy vi tính; hàng may mặc; giày dép; túi xách, mũ, vali, ô dù; sản phẩm nhựa; máy móc thiết bị; gỗ và sản phẩm gỗ.

Trong đó, lượng thuỷ sản xuất sang Mỹ chiếm gần 25% tổng kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam, đạt hơn 2 tỷ USD và tăng gần 10% so với năm 2021.

Mỹ cũng tiếp tục là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của chúng ta với 143,6 nghìn tấn - chiếm 27,6% tổng lượng xuất khẩu và cao hơn con số 75,5 nghìn tấn sang Trung Quốc.

Nền kinh tế số một thế giới còn là thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam, đạt 57,8 nghìn tấn với giá trị 282,2 triệu USD. Các thị trường lớn tiếp theo là UAE (15,2 nghìn tấn - 61,9 triệu USD) và Ấn Độ (12,2 nghìn tấn - 53,4 triệu USD).

Máy vi tính là một trong những mặt hàng ghi nhận kim ngạch xuất khẩu cao nhất sang Mỹ, với giá trị 15,9 tỷ USD - tăng gần 25% so với năm 2021. Đứng thứ hai là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 11,9 tỷ USD, tăng 7,25% so với năm trước. Thị trường EU báo cáo kim ngạch 6,35 tỷ USD, đi lên 7,35% so với năm 2021.

Ở mặt hàng may mặc, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 37,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với năm 2021. Xuất khẩu sang Mỹ là hơn 17,3 tỷ USD, chiếm hơn 46% tỷ trọng và vượt xa lượng hàng sang thị trường EU (4,39 tỷ USD).

 

Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giày da, túi xách đạt 28,0 tỷ USD, tăng 34,8% so với năm 2021.

Trong đó, xuất khẩu giày dép là 23,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 85,5% trên tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành và 6,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Thị trường xuất khẩu giày dép quan trọng nhất vẫn là Mỹ - kim ngạch đạt 9,6 tỷ USD. Thứ hai là khu vực EU với 5,8 tỷ USD.

Tương tự, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu lớn nhất ở mặt hàng xúi xách, mũ, vali, ô dù với kim ngạch năm 2022 là 1,84 tỷ USD, tăng 38,5% so với năm trước và bỏ xa thị trường EU với kim ngạch 914,7 triệu USD.

Chung xu hướng, Mỹ tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nhựa của Việt Nam, đạt gần 2,2 tỷ USD vào năm 2021. Ba thị trường xếp sau là Nhật Bản, AEEAN và EU.

Đồng thời, Mỹ cũng là thị trường xuất khẩu máy móc thiết bị lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 20,2 tỷ USD, tăng 13,3% so với năm 2021 chiếm hơn 44% tổng kim ngạch xuất khẩu máy móc thiết bị của cả nước.

Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong năm 2022 đạt 16 tỷ USD, tăng 8,1% so với năm 2021. M luôn là thị trường xuất khẩu chủ lực đối với ngành gỗ nhưng sau nhiều năm tăng trưởng mạnh, tới năm 2022 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tới nước này chỉ đạt 8,7 tỷ USD, giảm 1,3% so với năm 2021.

Ngoài ra, Mỹ còn nằm trong top ba thị trường nhập khẩu nhiều rau quả; cà phê; hàng điện thoại, linh kiện; và thép nhất - kim ngạch lần lượt đạt 247,8 triệu (tăng 11,2%), 305 triệu (11,6%), 11,9 tỷ USD (22,5%) và 845,1 triệu USD (giảm 37,9%).

 

Triển vọng kinh tế Mỹ và cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam

Nói về năm 2022, nền kinh tế Mỹ đã trải qua không ít khó khăn khi lạm phát tấn công người tiêu dùng và Fed tăng mạnh lãi suất để khống chế áp lực giá, khiến nhu cầu tiêu dùng yếu đi.

Tính chung cả năm, Mỹ tăng trưởng 2,1% - thấp hơn tốc độ 5,9% của năm 2021. Liên tiếp hai quý đầu năm ngoái, Mỹ thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng âm, thoả định nghĩa kỹ thuật của một cuộc suy thoái.

Lĩnh vực tiêu dùng, hiện chiếm hơn 60% sản lượng kinh tế, yếu đi đáng kể. Thâm hụt thương mại giảm từ mức 86,5 tỷ USD vào tháng 1/2022 xuống 71,4 tỷ USD vào tháng 12, theo Cục Phân tích Kinh tế Mỹ.

 

Những diễn biến bất lợi tiếp diễn sang đầu năm 2023, khi lãi suất chuẩn tại Mỹ được kéo lên phạm vi 5 - 5,25% tính đến thời điểm cuối tháng 6. Phố Wall liên tục gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Fed sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái.

Tháng 4, The Conference Board dự đoán xác suất Mỹ rơi vào suy thoái kinh tế trong 12 tháng tới lên đến 99%.

Khảo sát của Bloomberg vào tháng 6 cho thấy khả năng suy thoái trong 12 tháng tới lên đến 65%. Mô hình của Fed chi nhánh New York dự đoán xác suất là 67,3%.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đã phải kinh ngạc khi cho đến nay, nền kinh tế Mỹ vẫn hoạt động bền bỉ và dường như đang chỉ ra triển vọng tươi sáng hơn là Fed có thể hạ cánh mềm - tức khống chế lạm phát mà không gây ra suy thoái.

Dưới tác động của lãi suất, lạm phát đang hạ nhiệt. Vào tháng 6, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đạt 3%, thấp nhất trong hơn hai năm và giảm mạnh so với mức đỉnh hơn 40 năm xác lập vào cùng kỳ năm ngoái là 9,1%.

Lạm phát tính theo chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) - thước đo ưa thích của Fed - cũng hạ xuống còn 3%, thấp hơn mức đỉnh năm 2022 cũng như so với dự báo của các nhà kinh tế.

 

Trong khi lạm phát dần đi xuống, thị trường lao động của Mỹ vẫn rất vững vàng khi tốc độ tăng trưởng việc làm cao và tỷ lệ thất nghiệp dao động gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ.

Mỹ đã tạo thêm 209.000 việc làm trong tháng 6, vượt ước tính của Phố Wall. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 3,6%. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của những người từ 24 đến 54 tuổi đã tăng lên 80,9%, cao hơn trước đại dịch và đang ở đỉnh 22 năm.

Nhìn chung, doanh nghiệp thuộc mọi quy mô đang tuyển dụng với tốc độ chậm hơn so với năm ngoái, nhưng vẫn tạo thêm trung bình 278.000 việc làm mỗi tháng cho đến tháng 6.

Tiền lương của người lao động, một trong những yếu tố thúc đẩy lạm phát đi lên, vẫn đang tăng nhưng tốc độ đã chững lại so với năm ngoái.

Doanh nghiệp rất hạn chế sa thải lao động. Theo khảo sát trên 670 doanh nhân mà công ty tư vấn Vistage Worldwide thực hiện, chỉ khoảng 7% chủ doanh nghiệp nhỏ có ý định cắt giảm nhân công trong năm nay.

Thay vào đó, họ tìm cách giảm bớt chi phí bằng cách tìm nhà cung ứng mới, áp dụng thêm công nghệ mới, tạm dừng kế hoạch chi tiêu, loại bỏ bớt sản phẩm kém sinh lời,...

 

Trong hai quý đầu năm, GDP của Mỹ tăng lần lượt 2% và 2,4% (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm) nhờ sức mạnh bền bỉ của người tiêu dùng.

Các chỉ số chứng khoán chính đều bật tăng so với đáy tháng 9/2022. Tính từ đầu năm 2023 đến phiên 2/8, Dow Jones đã đi lên 6,5%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite tăng lần lượt 18% và 34,5%.

Kết thúc cuộc họp chính sách tháng 7, Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu: “Chúng ta đã chứng kiến khởi đầu của quá trình thiểu phát mà thị trường lao động không thực sự chịu tổn hại nào. Đó là một tin tốt”.

Ông cho biết trong “kịch bản cơ bản” của mình, lạm phát có thể quay về mức mục tiêu 2% của Fed mà “không xảy ra tình trạng suy thoái nghiêm trọng, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao”.

Tuyên bố chính sách mới nhất của Fed cũng nâng dự báo tăng trưởng kinh tế từ mức “khiêm tốn” lên “vừa phải”.

 

Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ ấm lên, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam có thể không tệ như lo ngại trước đó, đặc biệt là khi Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Chưa kể, nhiều doanh nghiệp Mỹ, bao gồm các tên tuổi công nghệ như Apple, Intel, Boeing,...đang đẩy mạnh việc đưa chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc để đến các thị trường mới như Việt Nam, Ấn Độ.

Xu hướng này giúp Việt Nam có cơ hội mở rộng hoạt động sản xuất, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu với các mặt hàng chất lượng cao.

Tuy vậy, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam vẫn cần thận trọng, bởi Fed vẫn chưa chính thức kết thúc chiến dịch tăng lãi suất.

Giới chức ngân hàng trung ương Mỹ nhấn mạnh rằng họ sẽ “phụ thuộc vào dữ liệu” cho các quyết định chính sách trong vài tháng tới, đồng thời cho biết Fed khó hạ lãi suất trước năm 2024.

 

Nhìn chung, tuy yếu tố bất lợi và khó lường vẫn còn, cửa sáng cho nền kinh tế Mỹ đã mở ra rộng hơn, kéo theo đó là triển vọng xuất khẩu của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, bao gồm Việt Nam.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm