Bức thư được gửi nhân dịp hệ sinh thái của ông Dương chuẩn bị đón ngày truyền thống lần thứ 2 tại địa chỉ 96 Phan Đăng Lưu, đồng thời các công ty trong hệ sinh thái chuẩn bị triển khai nhiều dự án lớn.
Tại đây, ông Dương cho biết: "Trong những năm qua, chúng ta đã luôn giữ được triết lý kinh doanh từ những ngày đầu thành lập: Không thắng thầu bằng mọi giá, hứa được - làm được, luôn chân thành và đặt lợi ích của đối tác lên hàng đầu. Chính vì vậy, dù ngành xây dựng còn đang gặp rất nhiều khó khăn, hệ sinh thái vẫn hoạt động hiệu quả và luôn tiến lên phía trước..."
Ông Dương kêu gọi toàn thể nhân viên "hãy dấn thân và đam mê công việc vì bản thân tôi dù đã lớn tuổi nhưng vẫn luôn cảm thấy hạnh phúc khi được tới cơ quan mỗi ngày ".
Ông khẳng định nếu mỗi người luôn ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình đối với tập thể, chắc chắn hệ sinh thái sẽ phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Cách đây ít ngày, Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã công bố thông tin nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu 5.10 "Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình nhà ga hành khách" của dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1.
Gói thầu 5.10 này có tổng giá trị hơn 35.200 tỉ đồng và cũng là gói thầu lớn nhất của sân bay Long Thành. Thời gian thi công 39 tháng.
Theo đó, liên danh Vietur do Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng ICISTAS thuộc Tập đoàn IChoding của Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu đã loại được các đối thủ nặng ký khỏi gói thầu.
Liên danh Vietur bao gồm 10 thành viên: Tập đoàn Công nghiệp và Thương mại Xây dựng IC ISTAS (Thổ Nhĩ Kỳ), Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Newtecons, Công ty CP Đầu tư Xây dựng SOL E&C, Tổng Công ty Xây dựng Số 1 (CC1), Công ty CP Kết cấu Thép ATAD, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam - Vinaconex (VCG), Công ty CP Xây dựng Phục Hưng Holdings (PHC), Công ty CP Hawee Cơ điện, Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (HAN).
Trong số này có 3 doanh nghiệp do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập gồm: Ricons, Newteccons, Sol E&C. Đáng chú ý, ông Nguyễn Bá Dương cũng là người sáng lập và cựu chủ tịch HĐQT tập đoàn xây dựng Coteccons. Hiện cả 3 doanh nghiệp đều là những nhà thầu xây dựng lớn ở Việt Nam và chưa niêm yết trên sàn chứng khoán.
Trong đó, Newtecons được thành lập vào năm 2003, được biết đến là một trong những đơn vị uy tín trong lĩnh vực thi công xây dựng với đa dạng các loại hình công trình.
Newtecons đã và đang thi công nhiều dự án lớn, cao cấp như: Masterise Homes, Masteri Waterfront (Hà Nội), GP Tower (đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy), Khu phức hợp nhà ở kết hợp thương mại dịch vụ tại TP Long Xuyên, An Giang vốn 2.400 tỉ đồng do Tập đoàn T&T đầu tư...
Newtecons còn tham gia thu công các dự án khu công nghiệp như nhà máy C Kyocera Document tại VSIP Hải Phòng, nhà máy thực phẩm và đồ uống Barett (Hưng Yên), cụm dự án số 08 tại Khu công nghiệp Mỹ Phước 4 (Bình Dương)…
Năm 2022, Newtecons đạt doanh thu hơn 10.000 tỉ đồng bất chấp thị trường bất động sản, xây dựng gặp khó. Năm 2023, công ty vẫn đặt mục tiêu tăng 10% so 2022.
Ricons thành lập từ năm 2004, cũng tham gia xây dựng rất nhiều dự án công trình cao tầng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng đến nhà xưởng công nghiệp và hạ tầng khắp cả nước. Đến hết tháng 6/2023, tài sản của Ricons ở mức 7.263 tỉ đồng. Năm 2023, Ricons đặt mục tiêu doanh thu 6.000 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 50 tỉ đồng. Sơ bộ 6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.400 tỉ đồng doanh thu, tương ứng đạt 57% kế hoạch.
SOL E&C ban đầu thuộc khối thi công chống thấm của Newtecons, sau đó tách thành một pháp nhân riêng. SOL E&C từng tham gia thi công hoàn thiện hoàng loạt dự án lớn nhua Masteri An Phú, Nhà máy Gain Lucky, Nhà máy Brotex,… Năm 2022, SOL E&C đạt doanh thu gần 4.500 tỉ đồng, tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Newtecons và SOL E&C từng trúng thầu dự án Hạng mục nhà máy sản xuất của tập đoàn Techtronics Tools Industries (TTI) tại Việt Nam.