Theo thống kê từ Wichart, có 17 doanh nghiệp phi tài chính có tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng đạt trên 10.000 tỷ đồng cuối quý II/2022. Tổng lượng tiền của 17 doanh nghiệp phi tài chính này đạt hơn 358.000 tỷ đồng.
Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS - Mã: GAS) tiếp tục là doanh nghiệp sở hữu lượng tiền mặt cao nhất sàn chứng khoán tính tới cuối quý II. Lượng tiền mặt của PV GAS đã tăng trưởng 11% so với cuối quý I lên mức cao kỷ lục kể từ khi hoạt động và chiếm 46% tổng tài sản của tổng công ty. Với lượng tiền gửi ngân hàng lớn đã đem về cho PV GAS khoản tiền lãi 553 tỷ đồng quý II, đóng góp lớn vào lợi nhuận của doanh nghiệp.
Tập đoàn Hoà Phát (Mã: HPG) là á quân khi sở hữu lượng tiền mặt 36.101 tỷ đồng tại ngày 30/6, tăng 2% sau ba tháng song vẫn thấp hơn nhiều so với con số lục đạt được ở cuối quý I/2022 là 46.824 tỷ.
Có 16/17 doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền mặt cuối quý II gia tăng so với cuối quý I, trong đó CTCP Viễn thông FPT (Mã: FOX) ghi nhận sự tăng trưởng cao nhất là 72%, đạt 10.633 tỷ và xếp thứ 16 trên sàn chứng khoán.
Ngoài FOX thì hai doanh nghiệp khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng lượng tiền nắm giữ cao là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex - Mã: PLX) và Tập đoàn FPT (Mã: FPT) với mức tăng lần lượt là 50% và 56% sau một quý.
Việc gia tăng lượng tiền mặt đã đưa quy mô tài sản của Tập đoàn FPT lên mức cao kỷ lục, đạt 60.557 tỷ đồng, tăng 19% sau một quý. Sau nhiều quý ghi nhận lượng tiền liên tục sụt giảm, chỉ tiêu này của FPT đã tăng trở lại, đạt 26.688 tỷ đồng tại ngày 30/6 và chiếm 44% tổng tài sản. Lượng tiền này gần bằng mức cao kỷ lục ghi nhận cuối quý II/2022 với 26.741 tỷ đồng. Với lượng tiền gửi dồi dào đã đem về cho FPT 753 tỷ đồng lãi tiền gửi trong nửa đầu năm.
Ngoài ra, Thế Giới Di Động (Mã: MWG) là doanh nghiệp ghi nhận lượng tiền nắm giữ cao kỷ lục cuối quý II, chiếm 41% tài sản. Nhờ gia tăng khoản tiền gửi, MWG ghi nhận585 tỷ - chủ yếu từ lãi tiền gửi trong quý II, không những đóng góp lớn vào lợi nhuận mà còn giúp công ty thoát lỗ trong quý II khi lợi nhuận về đáy trong lịch sử hoạt động.
Doanh nghiệp duy nhất trong top17 ghi nhận tổng lượng tiền suy giảm sau một quý là Tập đoàn Masan (Mã: MSN) với mức giảm 39% còn 10.809 tỷ đồng.
Trong 17 doanh nghiệp thống kê ở trên, loạt đơn vị ghi nhận lượng tiền chiếm quá nửa tài sản của công ty như Đạm Cà Mau (Mã: DCM), Sabeco (Mã: SAB), VEAM (Mã: VEA). Trong đó, khoản tiền nắm giữ của Sabeco và Đạm Cà Mau cùng chiếm tới 67% tổng tài sản.
Một số đơn vị dù sở hữu lượng tiền dồi dào nhưng chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong quy mô nguồn vốn như Tập đoàn Vingroup (Mã: VIC) nắm 23.118 tỷ tiền nhàn rỗi, chiếm 4% tài sản hay Tập đoàn Masan sở hữu 10.809 tỷ, chiếm 8% tài sản.
Dù sở hữu lượng tiền mặt dồi dào nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn đẩy mạnh vay nợ khi áp dụng nghiệp vụ gửi tiền lãi suất cao và vay nợ lãi suất thấp nhằm tối ưu chi phí như Vinamilk , MWG, Sabeco, FPT, PV GAS,...