ThS.BSCKI. Trần Quốc Khánh, khoa Phẫu thuật tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết giãn tĩnh mạch tinh hình thành do sự suy yếu hoặc bất thường trong cấu trúc hệ thống mạch máu vùng bìu. Đây không chỉ là vấn đề gây khó chịu về mặt thể chất mà còn ảnh hưởng đến khả năng sinh sản nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân
Có 4 nhóm nguyên nhân sinh bệnh sau:
- Bất thường giải phẫu: Tĩnh mạch tinh trái thường dài hơn và đổ vào tĩnh mạch thận trái theo góc vuông, tạo điều kiện cho máu ứ đọng, dẫn đến giãn mạch. Trong khi đó, tĩnh mạch phải đổ vào tĩnh mạch chủ dưới với góc nhọn nên ít gặp hơn.
- Suy van tĩnh mạch: Van trong lòng mạch có chức năng ngăn máu chảy ngược. Khi van yếu hoặc không có van, máu trào ngược liên tục làm tăng áp lực, khiến tĩnh mạch giãn dần.
- Chèn ép cơ học: Tĩnh mạch thận trái có thể bị ép giữa động mạch chủ và động mạch mạc treo tràng, gây ứ máu kéo dài. Tình trạng này thường gặp ở người trưởng thành hoặc có khối u vùng bụng.
- Yếu tố nguy cơ: Đứng lâu, vận động mạnh, thói quen mặc quần bó sát hoặc tiền sử gia đình cũng làm tăng khả năng mắc bệnh.
Triệu chứng
Giãn tĩnh mạch tinh thường diễn tiến âm thầm, các triệu chứng lâm sàng thường không đặc hiệu. Người bệnh có thể nhận biết các dấu hiệu bệnh thông qua các triệu chứng sau:
- Cảm giác nặng, đau âm ỉ vùng bìu, tăng lên khi đứng lâu, vận động mạnh hoặc vào cuối ngày, giảm khi nghỉ ngơi.
- Sờ thấy búi tĩnh mạch ngoằn ngoèo như "búi giun" dưới da bìu.
- Có thể nhìn thấy mạch máu nổi rõ ở giai đoạn nặng (độ III).
- Một số triệu chứng kèm theo như: Tinh hoàn teo nhỏ; khó có con dù vợ chồng không sử dụng biện pháp tránh thai trong ít nhất một năm.
Điều trị
Để phát hiện sớm giãn tĩnh mạch tinh, bác sĩ sẽ khám lâm sàng bằng cách yêu cầu bệnh nhân đứng thẳng, hít sâu và rặn mạnh (nghiệm pháp Valsalva) để quan sát sự thay đổi kích thước tĩnh mạch. Đồng thời, bệnh nhân thực hiện các chụp chiếu cận lâm sàng.
- Siêu âm Doppler màu: Kỹ thuật này giúp đánh giá chính xác lưu lượng máu, phát hiện dòng trào ngược và đo đường kính tĩnh mạch. Thông thường, tĩnh mạch giãn trên 3mm sau khi làm nghiệm pháp Valsalva được xem là bất thường.
- Chụp mạch máu: Chỉ định trong trường hợp nghi ngờ giãn tĩnh mạch phức tạp hoặc cần xác định vị trí tổn thương trước phẫu thuật.
- Ngoài ra xét nghiệm tinh dịch đồ, phân mảnh AND tinh trùng cũng được thực hiện nhằm đánh giá số lượng, chất lượng tinh trùng. Từ đó xác định mức độ nặng của giãn tinh mạch tinh gây nên ảnh hưởng đến khả năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn.
Giãn tĩnh mạch thừng tinh có thể được điều trị bằng phẫu thuật. Phẫu thuật vi phẫu là phương pháp phổ biến nhất, trong đó các tĩnh mạch giãn được thắt lại để ngăn chặn sự chảy ngược máu và khôi phục chức năng của tinh hoàn.