Ba tháng đầu năm nay, gian hàng tên Hằng Du Mục – HANGKAT trên TikTok Shop đạt doanh số 58,1 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần cùng kỳ.
Còn sản phẩm thuộc thương hiệu Hằng Du Mục được các gian hàng phân phối ghi nhận doanh số 58,7 tỷ đồng, tăng 434% so với cùng kỳ, thông tin từ báo cáo tổng quan thị trường sàn bán lẻ trực tuyến quý I/2025 của Metric.

Nguồn: Metric.
Theo tìm hiểu, Hằng Du Mục - HANGKAT là một trong ba gian hàng thuộc quản lý của Hằng Du Mục trên TikTok Shop. Các gian hàng này kinh doanh một số sản phẩm như táo đỏ, chocolate, kỷ tử đỏ, nho khô, trà thảo mộc, bánh trứng chảy...
Trong các mặt hàng được Hằng Du Mục phân phối, táo đỏ Tân Cương là sản phẩm được nhiều người mua trong các phiên livestream. Thậm chí, có thời điểm mặt hàng trên hết sạch vài tấn chỉ trong vài phút mở bán.

Hằng Du Mục bán táo đỏ Tân Cương trong các phiên livestream. (Ảnh chụp màn hình).
Tuy nhiên, các gian hàng của nữ TikToker đã dừng bán sau khi Nguyễn Thị Thái Hằng (tức Hằng Du Mục) - Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Chị Em Rọt (CER Group) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) khởi tố và bắt tạm giam với cáo buộc "Lừa dối khách hàng" và "Sản xuất hàng giả là thực phẩm” trong vụ việc liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera.
C01 xác định thực phẩm bổ sung Kera Super Greens Gummies (kẹo rau củ Kera) là "hàng giả", do CER công bố, bắt đầu đưa ra thị trường vào cuối năm 2024, đã bán ít nhất hơn 135.300 hộp. Kẹo do Công ty Cổ phần ASIA LIFE tại Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, sản xuất theo đặt hàng của CER.
Kẹo được Hằng Du Mục, Quang Linh Vlogs khi livestream bán hàng đã quảng cáo "có thể thay cho rau xanh trong bữa ăn". Thực tế chất lượng kiểm định kém xa so với quảng cáo.
"Hành vi của các bị can đã gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng", theo thông báo của cơ quan điều tra.
Quay trở lại thị trường thương mại điện tử trong quý I, theo báo cáo của Metric, 4 sàn thương mại điện tử (TMĐT) là Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki ghi nhận doanh số 101.400 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ.
Trong quý I, doanh số TikTok Shop tăng gần 113,8 % so với cùng kỳ, nâng thị phần từ 23% lên 35%, cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng hình thức mua sắm giải trí qua video ngắn.
Shopee tăng trưởng 29,3% nhưng thị phần lại giảm từ 68% còn 62%, phản ánh sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Ngược lại, doanh số Lazada và Tiki lần lượt giảm 43,5% và 66,6% so với quý I/2024.