
Sáng ngày 22/4, Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) đã tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2025 với sự tham dự của 137 cổ đông (tham dự trực tiếp và ủy quyền), đại diện hơn 2 tỷ cổ phần, tương đương 82,9% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.(Ảnh: OCB).
Cho khách hàng cá nhân, SME vay ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ
Chia sẻ mở đầu đại hội, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, nhận định năm 2024 kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường và tình hình đang dần ổn định khi thương mại hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát bớt căng thẳng hơn, điều kiện tài chính tiếp tục được nới lỏng.
Năm 2024, danh mục khách hàng của OCB có sự chuyển dịch, tập trung vào nhóm khách hàng chiến lược cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngân hàng đã triển khai loạt chương trình tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ đồng, giúp 15.000 khách hàng cá nhân, doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tiếp cận các gói vay với lãi suất cạnh tranh.
Kết quả trong năm 2024, OCB tăng trưởng tín dụng gần 20%, cao hơn trung bình ngành là 15,08%. Trong đó, dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân tăng 11,4%, nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 51,7% so với đầu năm. Tổng tài sản của ngân hàng tăng 17% lên 280.712 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu là 2,38%.
Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2023, thực hiện được 98% kế hoạch năm. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi từ khách hàng dân cư và tổ chức kinh tế đạt 13,1%, cao hơn mức trung bình ngành là dưới 10%. Tiền gửi từ khách hàng cá nhân tiếp tục tăng trưởng gần 16%, đóng góp 65% tổng quy mô tiền gửi khách hàng. Riêng tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023.
Tổng thu thuần đạt 10.069 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu thuần từ lãi đạt 8.607 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2023, nhờ quy mô tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện lên mức 3,5% vào cuối năm 2024.
Sau khi tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, đẩy mạnh công tác quản trị nợ, thu hồi cũng như xử lý nợ… trong quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế tăng 230% so với quý trước. Kết quả cả năm OCB đạt lợi nhuận trước thuế 4.006 tỷ đồng.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT, phát biểu khai mạc đại hội. (Ảnh: OCB).
Mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 33%, lần đầu chia cổ tức tiền mặt
Ban điều hành đánh giá dù tăng trường đã trở lại đường đua với một "phong thái" ổn định nhưng nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như ngành ngân hàng nói riêng vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức lớn.
Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp với những bất ổn địa chính trị, áp lực Ngân hàng Nhà nước có thể tăng lãi suất điều hành, áp lực nợ xấu tăng khi mà thị trường bất động sản chưa phục hồi hoàn toàn, mức chỉ tiêu của người dân cũng chưa phục hồi mạnh mẽ dẫn đến nhu cầu tín dụng tiêu dùng tăng chậm hơn kỳ vọng: áp lực duy trì thanh khoản và đảm bảo lợi nhuận đè nặng lên vai các ngân hàng...
2025 là năm cuối cùng để thực hiện chiến lược giai đoạn 2021 - 2025. Ngân hàng đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ, tăng 13%; tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ, tăng 14%; tổng dư nợ thị trường 1 khoảng 208.472 tỷ, tăng 16% lên. Lợi nhuận trước thuế kỳ vọng đạt 5.338 tỷ, tăng 33% so với kết quả đạt được trong năm 2024. Nợ xấu được kiểm soát dưới 3%.

Bên cạnh đó, OCB đặt mục tiêu vào Top 5 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân hàng đầu Việt Nam về hiệu quả ESG, đưa tỷ trọng dư nợ tín dụng xanh trên tổng dư nợ thị trường 1 lên hơn 11% trong năm 2025.
2025 sẽ là năm đầu tiên OCB thực hiện chia cổ tức tiền mặt kể từ khi lên sàn chứng khoán, với tỷ lệ 7% trên vốn điều lệ, tương đương số tiền 1.726 tỷ đồng. Trước đó, OCB chủ yếu chia cổ tức bằng cổ phiếu hoặc cổ phiếu thưởng.
Đồng thời, ngân hàng tiếp tục trình phương án phát hành cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 8% trên vốn điều lệ trong năm nay. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ sẽ tăng từ 24.657 tỷ lên 26.631 tỷ. OCB dự kiến sử dụng vốn tăng thêm để đầu tư công nghệ thông tin, nâng cấp tài sản, xây dựng cơ bản, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, đầu tư và cho vay.
Thời gian thực hiện các đợt tăng vốn sẽ do HĐQT quyết định, sau khi được cơ quan chức năng cho phép. Dự kiến sau khi tăng vốn, Aozora bank, Ltd. vẫn là cổ đông lớn duy nhất của OCB với tỷ lệ sở hữu 15%.

Bên cạnh đó, HĐQT trình cổ đông thông qua phương án khắc phục dự kiến trong trường hợp được can thiệp sớm. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc, lý giải thêm mục đích của tờ trình này là khi có vấn đề xảy ra với các tổ chức tín dụng, ngân hàng có kế hoạch chủ động, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, đảm bảo việc triển khai không gây biến động trên thị trường. Đây là quy định của Luật các tổ chức tín dụng, tất cả ngân hàng đều phải có cái phương án này để đảm bảo an toàn hệ thống.
Đại hội hôm nay sẽ tiến hành bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025 – 2030 nhằm đáp ứng quy mô và nhu cầu về quản trị trong giai đoạn mới. HĐQT nhiệm kỳ 2025 – 2030 dự kiến gồm 7 thành viên, số lượng thành viên Ban Kiểm soát tăng 2 lên 5 thành viên.
Phiên thảo luận
Cổ đông: Năm nay là năm đánh dấu chuyển mình mạnh mẽ của OCB, động lực nào cho sự chuyển lược này? Đối tác chiến lược đã đóng góp thế nào cho OCB trong 4 năm qua và có hỗ trợ gì cho mảng khách hàng doanh nghiệp FDI không?
Đại diện OCB: Chúng ta đang ở năm cuối giai đoạn 2021 - 2025. 2025 là một năm thách thức nhưng chúng tôi kỳ vọng sự chuyển mình cùng với sự vươn mình của đất nước.
Nhìn lại thời gian qua thì OCB đã hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp lớn rất thành công trong khoảng một thập kỷ qua và tiềm năng của nhóm này còn rất nhiều, từ hệ sinh thái đến mạng lưới khách hàng cá nhân (có thể là cán bộ công nhân viên hoặc là khách hàng của doanh nghiệp lớn).
Bên cạnh đó, SME cũng là mảng khách hàng trọng tâm. Đây là mảng khó, nhiều ngân hàng đã làm nhưng không thành công. Chúng tôi sẽ lọc lại danh sách khách hàng SME đúng mục tiêu phát triển của ngân hàng.
FDI cũng xác định là mảng có nhiều tiềm năng, tất nhiên chúng tôi không đối đầu với ngân hàng nước ngoài.
Cổ đông: OCB có kế hoạch chia cổ tức tiền mặt và phát hành cổ phiếu thưởng. Ban lãnh đạo chia sẻ cụ thể thời gian thực hiện? Năm qua cổ phiếu OCB có giảm, ban lãnh đạo đánh giá khi nào cổ phiếu OCB phục hồi?
Chủ tịch: Về kế hoạch, chúng tôi sẽ làm ngay nhưng phải tuân thủ quy định và được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thời gian xin phép có thể kéo dài một vài tháng, không thể ước định chính xác được.
Giá cổ phiếu do thị trường quyết định, tôi đã từng chia sẻ nhiều lần như vậy. Bây giờ nhìn lại cũng chạnh lòng khi cổ phiếu OCB bị định giá thấp, thấp hơn 30 - 40% so với trung bình nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.
Tôi chỉ có thể chia sẻ đầu tư vào OCB phải là tầm nhìn dài hạn. Tôi tự tin là nhà đầu tư cá nhân, gia đình lớn nhất tại ngân hàng, kỳ vọng về dài hạn OCB sẽ đạt được đúng giá trị. Hoạt động của OCB không tiềm ẩn rủi ro quá lớn đến mức không sửa được, hay bất thình lình nổ ra thì vỡ ngay lập tức, chứ còn kinh doanh tất nhiên sẽ có rủi ro nhưng ở mức chừng mực.
OCB đã trải qua thời kỳ phát triển tốt, từ một ngân hàng bé thành ngân hàng tầm trung, lợi nhuận tăng trưởng 60-70%, thậm chí gấp đôi trong giai đoạn 2010 – 2021. Tuy nhiên từ năm 2022 đến nay, kinh tế thế giới đảo chiều, Fed từ duy trì lãi suất thấp đã tăng lãi suất rất cao, chính sách tiền tệ tại Việt Nam cũng thay đổi. 2022 - 2024 OCB đều không đạt kế hoạch. Khi vấp ngã ở đâu phải đứng lên, giải quyết vấn đề ở đó.
Những gì không tốt thì HĐQT rất cầu thị, đánh giá lại. 2024 chúng tôi đã làm rất quyết liệt từ chiến lược, tái cấu trúc, cụ thể là Tổng Giám đốc đã thay đổi. Kỳ vọng năm nay OCB sẽ chuyển mình, đặc biệt sự phục hồi của ngành bất động sản tác động đến ngân hàng rất nhiều, không năm nay thì năm sau, nói chung về trung - dài hạn là ổn.
Cổ đông: Kết quả kinh doanh 2024 không đạt được kỳ vọng nhưng kế hoạch lãi năm nay tăng trưởng 33%, như vậy có khả thi không và OCB có kế hoạch triển khai như thế nào? Kết quả kinh doanh quý I của ngân hàng ra sao?
Tổng Giám đốc: năm 2024 đúng là kết quả chưa đạt được như kỳ vọng nhưng nếu bóc tách tăng trưởng chung, cái lõi của ngân hàng thì vẫn rất tốt, ví dụ NIM 2023 là 3,3% thì cuối 2024 là 3,51%, mặc dù ngân hàng hỗ trợ lãi suất cho khách trong giai đoạn khó khăn. Hay như CASA là 12,2% trong năm 2023 thì cuối 2024 gần 15%, đến quý I/2025 gần 16% và mục tiêu 20% vào cuối năm nay. Ngoài ra, doanh thu dịch vụ ngoại hối tăng 55% so với năm trước.
2024 chưa tốt chủ yếu là nợ xấu của khách hàng cá nhân. Dư nợ dưới 5%, các khoản nợ đều có tài sản bảo đảm. Việc xử lý tài sản mất rất nhiều thời gian, ngân hàng phải trích lập dự phòng và chính khoản này dẫn đến kết quả kinh doanh 2024 không tốt.
Quý I chúng tôi ước tính doanh thu gần 2.300 tỷ, lãi trước thuế gần 900 tỷ.
Trong năm 2025 chúng tôi tập trung vào 4 trụ cột. Thứ nhất là tập trung vào thu nhập lõi (bao gồm tăng phí, CASA, sản phẩm). Mảng bán lẻ đặt mục tiêu nâng 4 sản phẩm/khách hàng. Thứ hai là tập trung chuyển đổi số và dữ liệu. Thứ ba là quản trịu vốn, rủi ro chuẩn quốc tế. Cuối cùng là nâng cao văn hóa tổ chức, đội ngũ.
Cổ đông: Đề nghị HĐQT chia sẻ về sự tương hỗ của cổ đông chiến lược Aozora Bank trong những năm qua và sự hỗ trợ cho những năm tiếp theo? Aozora có định hướng gì cho việc thoái vốn không, hoặc chiến lược đầu tư của Aozor tại OCB trong thời gian tới?
Đại diện Aozora Bank: Chúng tôi đầu tư vào OCB từ tháng 6/2020, đến nay tròn 5 năm. Trước đó OCB không có giao dịch với doanh nghiệp Nhật Bản. Chúng tôi sau khi vào đã giúp OCB mở rộng danh mục khách hàng cá nhân, doanh nghiệp Nhật Bản tại OCB. Chúng tôi đã cử hai chuyên gia sang và thành lập ủy ban hợp tác chiến lược. Chúng tôi cũng hỗ trợ ngân hàng phát triển sản phẩm mới.
Với việc khai thác khách hàng SME, chúng tôi hỗ trợ OCB trong việc rà soát tệp khách hàng. Thông qua các quỹ đầu tư của mình, chúng tôi hỗ trợ OCB hiểu được khách hàng hơn.
Về tầm nhìn, chúng tôi không hướng đến các khoản đầu tư ngắn hạn mà phải là dài hạn, như chúng tôi đã ký kết hợp tác với OCB ít nhất là 10 năm. Chúng tôi chưa có ý định thoái vốn khỏi OCB.