Trong bối cảnh chứng khoán thế giới vừa trải qua 1 phiên biến động tiêu cực, tâm lý giao dịch của các nhà đầu tư Việt Nam dường như cũng trở nên thận trọng hơn khi bắt đầu ngày giao dịch mới. VN-Index bị lấy mất hơn 21 điểm trên nền thanh khoản thấp trong phiên sáng. Tuy nhiên, lực cầu bắt đầu dâng cao sau đó giúp thị trường dần quay lại sắc xanh.
Kết phiên, VN-Index tăng 12,43 điểm, tương đương 0,93% và đóng cửa tại 1.353,77 điểm. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 14.568 tỷ đồng, thấp nhất kể từ tháng 7/2021. Tính chung toàn thị trường thì thanh khoản đạt 17.346.3 tỷ đồng, giảm 28,8% so với phiên liền trước. Diễn biến phân hóa ở nhóm VN30 khiến chỉ số này không có sự hồi phục tốt như VN-Index.
VN30-Index đóng cửa chỉ tăng 5,13 điểm, với 14 cổ phiếu tăng giá và 11 cổ phiếu giảm giá. Dẫn đầu nhóm tăng giá là HPG (+3,2%), STB (+2,9%), MSN (+2,6%), CTG (+2,4%), GVR (+2,1%)… Ngược lại, đà tăng của chỉ số bị hãm lại bởi VRE với tỷ lệ mất giá là 1,8%, theo sau là FPT (-1,2%), VNM (-1,2%), VPB (-1,2%), MWG (-1,1%)…
Mặc dù thị trường vẫn có dấu hiệu phân hóa rõ rệt, nhưng nhìn chung, xanh lá vẫn là màu sắc chủ đạo cho các nhóm ngành. Nổi bật hôm nay là sự quay đầu mạnh mẽ của nhóm bất động sản, đặc biệt là cổ phiếu thuộc nhóm vốn hóa vừa và nhỏ. Nhóm cảng biển cũng có phiên giao dịch tích cực.
Phần lớn cổ phiếu nhóm ngân hàng và chứng khoán đều đóng cửa tăng giá, tuy nhiên mức độ tăng đã có phần hạ nhiệt so với hôm qua. Dù vậy, ngành phân đạm, công nghệ lại bất ngờ có diễn biễn tiêu cực, đi ngược với xu hướng hồi phục của thị trường chung.
Tổ chức trong nước bán ròng hơn 970 tỷ đồng, tâm điểm DIG, VPB
Trong phiên giao dịch vừa qua, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh công ty chứng khoán) chuyển hướng bán ròng 974 tỷ đồng. Tính riêng khớp lệnh thì họ rút ròng 903 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tổ chức nội bán ròng 15/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm ngân hàng. Top bán ròng DIG, VPB, MWG, TCB, MSN, ACB, VIC, FPT, VNM, VCB.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản. Danh mục Top10 mua ròng của khối này gồm HPG, HSG, KOS, DXG, PAN, VCG, BWE, GIL, REE, LHG.
NĐT cá nhân đảo chiều mua ròng hơn 1.200 tỷ đồng trong phiên hồi phục thứ hai liên tiếp
Trong phiên VN-Index củng cố tín hiệu hồi phục, NĐT cá nhân mua ròng 1.227 tỷ đồng, trong đó họ mua ròng khớp lệnh là 1.151 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, cá nhân trong nước mua ròng 15/18 ngành, chủ yếu là ngành bất động sản. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại cổ phiếu DIG, VPB, MWG, VIC, VHM, TCB, VND, ACB, TPB, NVL.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, NĐT cá nhân bán ròng 3/18 ngành còn lại với áp lực bán tập trung tại cổ phiếu tài nguyên cơ bản, điện, nước & xăng dầu khí đốt. Top bán ròng có HPG, BCM, CTG, DGC, GAS, STB, KOS, HSG, LHG.
Khối ngoại chấm dứt chuỗi 8 phiên mua ròng liên tiếp trên HoSE
Về phía NĐT nước ngoài, khối ngoại chính thức dứt chuỗi mua ròng 8 phiên liên tiếp. Cụ thể, họ bán ròng 253 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 248 tỷ đồng.
Mua ròng khớp lệnh chính của khối ngoại là nhóm thực phẩm & đồ uống, hóa chất. Top mua ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã DGC, MSN, BCM, GAS, CTG, VHC, STB, E1VFVN30, GMD, VJC.
Tại phía bán ròng khớp lệnh, NĐT nước ngoài xả mạnh nhất cổ phiếu nhóm bất động sản. Top bán ròng khớp lệnh của nước ngoài gồm các mã: VND, DIG, DXG, VIC, KBC, VHM, TPB, HPG, VRE.
Theo thống kê của FiinTrade,dòng tiền vào nhóm địa ốc tăng mạnh lên 24,64% tổng giá trị giao dịch của thị trường, cao nhất trong 10 phiên liên tiếp. Chỉ số giá tăng 1,1% cho thấy cầu vào nhóm này tiếp tục cải thiện so với toàn thị trường.
Nước ngoài có sự thay đổi vị thế khá nhanh đối với các mã VND, VRE, DXG, KBC cho thấy họ tham gia giao dịch ngắn hạn. Việc bán ròng của nước ngoài cũng rải rác ở nhiều cổ phiếu thay vì tập trung một số mã như trước đây, điều này cho thấy họ giao dịch theo cả “danh mục”.