USD quốc tế duy trì ở mức cao
USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền chủ chốt khác hiện ở mức 103,04 theo ghi nhận lúc 06h30 (giờ Việt Nam), cao nhất kể từ tháng 1/2017.
Tỷ giá euro so với USD giảm nhẹ 0,08% ở mức 1,0552. Tỷ giá đồng bảng Anh so với USD giảm 0,03% ở mức 1,2540khi doanh số bán lẻ giảm. Tỷ giá USD so với yen Nhật tăng 0,01% ở mức 128,43 sau khi chạm mức thấp nhất trong 20 năm là 129,4 vào tuần trước.
Theo Investing, đồng USD đã thành công chạm mức cao nhất trong 5 năm qua trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất vào tuần tới. Theo đó, Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp ngày 3 và 4/5, cũng như vào tháng 6 và tháng 7 tới.
Đồng bạc xanh cũng được hưởng lợi từ những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu khi châu Âu đang “vật lộn” với ảnh hưởng từ cuộc chiến ở Ukraine và Trung Quốc thực hiện các lệnh phong tỏa trong nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19.
Trong khi đó, đồng euro hiện đang suy yếu do lo ngại về tăng trưởng khu vực sau khi Nga cắt nguồn cung cấp khí đốt cho các nước châu Âu. Cụ thể, công ty Gazprom của Nga đã ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria hôm qua do họ không thanh toán bằng đồng rubble, gây ra một cuộc chiến kinh tế với châu Âu. Đây được xem là nhằm để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với cuộc chiến ở Ukraine của Moscow. Đồng euro đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2017, riêng tháng 4 này đã giảm 4,7% và đang hướng tới mức suy yếu theo tháng tồi tệ nhất trong hơn 7 năm qua.
Bộ Kinh tế Đức hôm qua đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế quốc gia cho năm 2022 xuống còn 2,2% so với dự báo tăng trưởng 3,6% hồi cuối tháng 1. Niềm tin của người tiêu dùng Pháp cũng giảm nhiều hơn dự kiến trong tháng này.
Dominic Bunning, trưởng bộ phận nghiên cứu ngoại hối châu Âu tại HSBC cho biết, tuyên bố của công ty Nga đang gây thêm áp lực tăng giá khí đốt trong khu vực và làm trầm trọng thêm câu chuyện giữa tăng trưởng và lạm vốn đang xấu đi nhanh chóng từ đầu năm nay.
Ở một diễn biến khác, những lo ngại về tăng trưởng của Trung Quốc đã tạo đà tăng cho đồng USD và càng làm giảm triển vọng của các quốc gia có nhiều tương tác với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Được biết, Bắc Kinh đã tăng cường thử nghiệm hàng loạt đối với COVID-19 khi trung tâm tài chính Thượng Hải đang bị phong tỏa trong khoảng một tháng.
Việc đồng USD mạnh hơn cũng làm giảm nỗ lực phục hồi của đồng yen Nhật khi trước đó đã ghi nhận một số hỗ trợ từ các dòng ngoại hối an toàn và kỳ vọng thay đổi chính sách. Thị trường đang theo dõi xem liệu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thực hiện bất kỳ thay đổi nào đối với việc kiểm soát đường cong lợi suất nhằm ngăn chặn sự suy yếu của đồng yen khi cuộc họp kéo dài hai ngày vào hôm nay sẽ kết thúc hay không.
Đồng đô la Úc đã chạm mức thấp nhất kể từ tháng 2 nhưng được kéo lại bởi dữ liệu giá tiêu dùng Úc tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong hai thập kỷ qua. Điều này làm dấy lên suy đoán rằng lãi suất có thể được nâng lên từ mức thấp kỷ lục ngay trong tuần tới.