Lãnh đạo Sabeco đánh giá doanh thu và lợi nhuận sau thuế đã được cải thiện và cao hơn cùng kỳ năm ngoái do tác động mạnh mẽ từ việc mở cửa trở lại của thị trường. Giai đoạn này, công ty cũng triển khai nhiều khuyến mãi cho dịp năm mới. Nhờ thế, doanh thu tăng 25%, đạt hơn 7.300 tỷ đồng. Trong đó, mảng bia chiếm đến 87% cơ cấu tổng doanh thu.
Ngoài ra, Sabeco cũng kiểm soát tốt nhóm chi phí thường xuyên, nhất là chi phí bán hàng và chi phí quản lý. Ba khoản mục này giảm hơn 10% so với quý I/2021. Trong đó, chi phí quảng cáo và khuyến mãi giảm đến hơn 20%. Tổng lại, công ty lãi sau thuế hơn 1.200 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh cải thiện rõ so với cùng kỳ nhưng lại thấp hơn so với quý liền trước. Cùng nguyên nhân như trên nhưng doanh thu và lợi nhuận trong quý IV/2021 lại cao hơn 23% và 13% so với quý I/2022. So với các chỉ tiêu đề ra cho cả năm, Sabeco đã hoàn thành khoảng một phần tư kế hoạch.
Năm nay SAB đặt kế hoạch lấy lại phong độ kinh doanh của chính công ty và là kế hoạch tích cực nhất ngành bia. Ban lãnh đạo kỳ vọng ngành sản xuất kinh doanh bia phục hồi khi hoạt động du lịch, nhà hàng và các dịch vụ ăn uống được kích cầu. Bia Sài Gòn cũng đặt kỳ vọng vào sự bình ổn trong mảng sản xuất và kinh doanh khai thác thị trường nội địa với sức mua của hàng chục triệu dân nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Song hãng bia này vẫn cho rằng, toàn ngành đang chịu ảnh hưởng hai vấn đề chưa từng có tiền lệ là đại dịch và những quy định khắt khe của Chính phủ. Trong khi Covid-19 gây thiệt hại ngắn hạn, luật phòng chống tác hại rượu bia lại có phạm vi ảnh hưởng lâu dài. Riêng Sabeco đối mặt thêm rủi ro khi người tiêu dùng có xu hướng chuyển dịch sang các phân khúc thấp hơn do thu nhập bị ảnh hưởng và công ty sẽ bị cạnh tranh gay gắt bởi các đơn vị sản xuất khác trong cuộc chiến giành thị phần.
Báo cáo của Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MASVN) cho rằng, đồ uống nằm trong nhóm ngành có cơ hội tăng trưởng lợi nhuận. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của ngành sẽ giảm do giá của các nguyên vật liệu đều đang ở mức cao, trong đó có mạch nha, hương liệu, đường, nhôm và nhựa. Trong cuộc họp thường niên gần đây, lãnh đạo Sabeco cho biết công ty đã có những hợp đồng mua trước nguyên vật liệu theo kế hoạch sẵn. Trước mắt trong năm nay, SAB tự đánh giá mức tồn kho nằm ở ngưỡng an toàn. Tuy vậy, rủi ro giá nguyên liệu tăng được xem là khó tránh và Sabeco sẽ tìm cách tăng doanh thu để bù đắp các khoản chi phí gia tăng.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu SAB có diễn biến thị giá khá tích cực từ đầu năm đến nay. Mã này đã có hai đợt tăng giá, đạt đỉnh 170.300 đồng một đơn vị hồi giữa tháng 4. Trong khi cách đó một tháng, thị giá SAB từng lùi về tiệm cận 150.000 đồng một cổ phiếu. Chốt phiên hôm 26/4, SAB đạt 169.000 đồng một đơn vị, tăng 7% trong một ngày và tăng hơn 11% so với đầu năm.