Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã ghi nhận những nỗ lực của tỉnh Sóc Trăng và ngành nông nghiệp Sóc Trăng trong việc định hướng, duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định; chủ động thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2021 - 2022, góp phần tạo điều kiện để nông dân ổn định sản xuất, dù chịu nhiều tác động của dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng, tái cơ cấu nông nghiệp là câu chuyện thay đổi tư duy và nhận thức của người nông dân, không phải làm một ngày, một bữa mà phải làm có chiều sâu và tất cả cùng vào cuộc. Quan trọng nhất là hợp tác bởi nếu không hợp tác sẽ không làm được kinh tế nông nghiệp và vấn đề mấu chốt là tổ chức sản xuất sao cho hiệu quả, đảm bảo đầu ra ổn định và bền vững.
Đồng thời, hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các bên, giúp nông dân có niềm tin vào thị trường, doanh nghiệp, cùng nhau làm và cùng nhau chia sẻ lợi nhuận. Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, trong 4 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt trên 3,15%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,6%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 11,41%, khu vực dịch vụ tăng 0,2%.
Giá trị xuất khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm đạt 480 triệu USD, bằng 40% chỉ tiêu Nghị quyết, tăng 38,34% so cùng kỳ; trong đó, xuất khẩu thủy sản đạt 375 triệu USD (tăng 41,5% so cùng kỳ), xuất khẩu gạo đạt 85 triệu USD (tăng 23,2% so cùng kỳ).
Sản lượng lúa đạt trên 1 triệu tấn, đạt 50,6% kế hoạch, tăng 41% so cùng kỳ năm trước; trong đó, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm 90,5%, cao hơn cùng kỳ 16,2%. Toàn tỉnh có 73 công ty, doanh nghiệp và thương lái tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm ngay từ đầu vụ với tổng diện tích bao tiêu trên 23.000 ha (chiếm 12,7% tổng diện tích).
Việc tiêu thụ lúa thuận lợi được thu mua bởi các đơn vị trong và ngoài tỉnh, nhưng so với cùng kỳ giá lúa thường và thơm nhẹ giảm từ 500 - 800 đồng/kg, riêng lúa đặc sản tăng trên 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ. Để chủ động thực hiện tốt phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh mùa khô năm 2021 - 2022, tỉnh Sóc Trăng cũng ban hành kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, triển khai dự án xây dựng cống, trạm bơm và hệ thống thủy lợi khẩn cấp để phòng, chống hạn xâm nhập mặn (xây dựng mới 4 cống ngăn mặn; sửa chữa 1 cống; xây dựng 2 trạm bơm điện; nạo vét 30 tuyến kênh tạo nguồn, tổng chiều dài 245 km...).
Trong 4 tháng đầu năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 dần được kiểm soát, nhưng sản xuất nông nghiệp còn nhiều khó khăn như: sạt lở bờ biển, đê biển diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, dòng chảy ven bờ luôn thay đổi, kết hợp với sóng to, gió lớn gây nguy cơ mất an toàn công trình trình đê biển (thị xã Vĩnh Châu). Sạt lở khu vực nội đồng ở các cồn trên Sông Hậu (Long Phú - Kế Sách - Cù Lao Dung) cũng ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất của nông dân.
Cùng đó, việc tiêu thụ một số sản phẩm nông nghiệp còn chậm, giá cả giảm so cùng kỳ, trong khi đó giá xăng, dầu, vật tư ngày càng tăng cao khiến lợi nhuận thấp. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cũng kiến nghị Bộ trưởng xem xét, chấp thuận giao 22,98 ha đất và cơ sở vật chất tại xã Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu cho tỉnh được phép sử dụng làm khu nghiên cứu, phát triển nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao.
Đồng thời, tiếp tục đầu tư hệ thống thủy lợi đồng bộ, khép kín để phục vụ sản xuất nông nghiệp và thủy sản.