Đồng bằng sông Cửu Long là một trong 7 vùng kinh tế lớn của cả nước, có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, công nghiệp, khoa học và dịch vụ. Thời gian qua, khu vực này nhận nhiều quan tâm về đầu tư hạ tầng với việc triển khai xây dựng hệ thống cao tốc, cảng biển và đường thủy nội địa, tạo động lực phát triển cho toàn vùng.
Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, khu vực miền Tây sẽ có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.166 km, quy mô 4-6 làn xe. Kế hoạch vốn ngân sách trung ương đầu tư cho hạ tầng vùng này là 86.000 tỷ đồng.
6 dự án chia làm ba tuyến trục dọc và ba tuyến trục ngang. Cụ thể, ba tuyến trục dọc có tổng chiều dài 575 km gồm cao tốc Bắc - Nam phía Đông (dài 245 km), cao tốc Bắc - Nam phía Tây (dài 180 km) và cao tốc TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng (dài 150 km).
Ba tuyến trục ngang có chiều dài khoảng 591 km, gồm cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (dài 191 km), cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu (212 km) và cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh (188 km).
Đến thời điểm hiện tại, đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành và đưa vào khai thác theo quy mô giai đoạn một (4 làn xe) với tổng chiều dài 171 km gồm các đoạn tuyến cao tốc Bến Lức - Trung Lương (40 km), Trung Lương - Mỹ Thuận (51 km), Cao Lãnh - Lộ Tẻ (29 km) và Lộ Tẻ - Rạch Sỏi (51 km).
Những tuyến cao tốc trên ngoài tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế còn góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản cho các tỉnh khu vực miền Tây như Trà Vinh hay Hậu Giang.
Nằm ở trung tâm đồng bằng sông Cửu Long, Hậu Giang là giao điểm của nhiều trục giao thông quan trọng, kết nối cả chiều dọc lẫn chiều ngang khu vực. Đây là một trong các địa phương có tốc độ tăng trưởng công nghiệp cao tại khu vực Tây Nam Bộ. Năm 2022, tốc độ phát triển tổng sản phẩm (GRDP) nơi đây đạt 113,94%, đứng đầu vùng và thứ tư toàn quốc. Thu nhập bình quân đầu người đạt 58,4 triệu đồng, tăng 19%. Công nghiệp tăng trưởng 30,8%, nông nghiệp tăng 4,49%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư được triển khai tích cực.
Theo dự kiến, khi hoàn thiện, địa bàn tỉnh có khoảng 100 km từ ba tuyến cao tốc gồm Cần Thơ - Cà Mau, Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đi qua, gia tăng tiềm năng thu hút đầu tư, lao động, mở ra thời cơ cho công nghiệp và bất động sản.
Nằm ở phía Đông Nam đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh hưởng lợi từ tuyến cao tốc TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng và tuyến Hồng Ngự - Trà Vinh. Địa phương này sở hữu đường bờ biển dài 65 km, nhiều điểm đến du lịch nổi tiếng. Chính vì vậy, khi các dự án giao thông hoàn thiện sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP HCM và các tỉnh lân cận đổ về, tạo sức bật cho tỉnh.
Những năm gần đây, thị trường bất động sản Trà Vinh, Hậu Giang chứng kiến sự đổ bộ của nhiều doanh nghiệp như Vingroup, TNR Holdings Vietnam, Đất Xanh... Các chuyên gia nhận định, hưởng lợi từ các dự án giao thông trọng điểm cùng thế mạnh sẵn có, địa ốc khu vực mang kỳ vọng chuyển biến tích cực.