Chứng khoán

Cổ phiếu đầu tư công nổi sóng tăng trần hàng loạt, đâu là yếu tố hỗ trợ?

Kết phiên giao dịch ngày 15/2, VN-Index tăng 9,56 điểm (0,92%) lên 1.048,2 điểm, HNX-Index tăng 3,11 điểm (1,52%) đạt 207,97 điểm, UPCoM-Index tăng 1,52 điểm (1,95%) đạt 79,47 điểm.

Ngoại trừ bất động sản, các nhóm ngành đều đồng loạt tăng trong ngày VN-Index giành lại sắc xanh. Trong đó, các cổ phiếu đi lên với câu chuyện đầu tư công là xây dựng và vật liệu bùng nổ với nhiều mã tăng hết biên độ như VCG (+6,9%), KSB (+6,8%), FCN (+6,7%), LCG (+6,6%), HHV (+6,6%), BCC (+6,5%)... Nhiều mã khác cũng ghi nhận mức tăng từ 4 - 9% như PC1, HT1, C4G, ...

 

Trong nhóm này, LCG và HHV lọt Top thanh khoản cao trên toàn thị trường với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 15,4 triệu và 13,5 triệu cổ phiếu.

Quan sát cho thấy dòng tiền quay trở lại nhóm cổ phiếu đầu tư công mạnh mẽ sau hai tuần điều chỉnh, nhiều cổ phiếu trong nhóm này thậm chí đã vượt hoặc tiệm cận đỉnh năm 2023 với mức dư mua trần lớn.

Thép - nhóm cổ phiếu cũng được kỳ vọng từ làn sóng giải ngân đầu tư công cũng giao dịch khởi sắc trong phiên này với HPG tăng 1% lên 20.800 đồng; VGS (+4,1%), TLH (+3,3%), POM (+2,3%), PAS (2,3%), NKG (+2,2%), SMC (2%), HSG (+1,7%), ... 

Nhiều cổ phiếu trong nhóm hưởng lợi từ đầu tư công đã vượt hoặc tiệm cận đỉnh năm 2023. (Nguồn: TradingView).

Đầu tư công là điểm sáng khó bỏ qua trong năm 2023

"Đầu tư công" được xem là từ khoá quan trọng khi nói về triển vọng kinh tế trong năm nay. Đây cũng là một trong những chủ đề đầu tư chính được các công ty chứng khoán đề cập đến năm 2023.

Cụ thể, theo báo cáo cập nhật triển vọng đầu tư công, VNDirect Research kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công sẽ là điểm sáng trong năm 2023.

Nhằm bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác, chính phủ đã công bố dự toán ngân sách năm 2023, trong đó vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước (hay còn gọi là đầu tư công) ước đạt 698.867 tỷ đồng, tăng 28,9% so với kế hoạch năm trước. Con số này bao gồm vốn phân bổ cho các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Kỳ vọng giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 sẽ tăng 20 - 25% so với giải ngân thực tế năm 2022 nhờ nút thắt thiếu đá xây dựng và đất đắp đã được giải quyết khi chính phủ cấp phép khai thác cho các mỏ mới; và giá vật liệu xây dựng như sắt thép, xi măng, đá xây dựng được dự báo sẽ giảm trong năm tới.

Đồng quan điểm, SSI Research cũng cho rằng câu chuyện đẩy mạnh đầu tư công vẫn luôn là chất xúc tác cho thị trường trong vài năm nay, tuy nhiên mức độ giải ngân thực tế là khá chậm so với kế hoạch khi vẫn còn khoảng 15 tỷ USD cho giai đoạn 2022 - 2023 vẫn chưa được giải ngân.

 Nguồn: SSI Research.

Nhóm ngành nào có thể tạo sóng nhờ cú hích đầu tư công?

Theo nhóm phân tích của Agriseco Research, việc tập trung đẩy mạnh đầu tư công kỳ vọng sẽ tạo ra các tác động lan tỏa đến nhiều nhóm ngành như vật liệu xây dựng, xây dựng, bất động sản dân cư, bất động sản khu công nghiệp và logistics.

Với nhóm vật liệu xây dựng, đây là nhóm có thể được hưởng lợi trực tiếp ngay sau giai đoạn giải phóng mặt bằng đến triển khai dự án, tuy nhiên biến động chi phí nguyên liệu đầu vào như giá than có thể ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của một số doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, sự kiện Trung Quốc mở cửa trở lại được dự báo sẽ đem lại những hiệu ứng tích cực cho một vài nhóm ngành vật liệu xây dựng như thép và xi măng. 

Bên cạnh đó, nhóm xây dựng hạ tầng cũng được  kỳ vọng hưởng lợi trực tiếp khi các dự án đầu tư công trọng điểm đi vào triển khai. Agriseco lưu ý các rủi ro như giá nguyên vật liệu có thể tăng trở lại khi Trung Quốc mở cửa nền kinh tế làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ thép; thời tiết đầu năm vẫn có khả năng mưa nhiều, ảnh hưởng tới tiến độ thi công chung, tuy nhiên rủi ro này không quá đáng lo bởi về cuối năm có thể tháo gỡ khi thời tiết tốt trở lại.

Bất động sản dân dụng có thể được hưởng lợi gián tiếp ngay từ khi quy hoạch của các dự án đầu tư công lớn được thông qua. Điều này sẽ thu hút nhu cầu về bất động sản và nhà ở tại các khu vực, tỉnh thành lân cận với các dự án khi cơ sở hạ tầng được kỳ vọng hoàn thiện...

Với bất động sản khu công nghiệp, các doanh nghiệp có lợi thế về quỹ đất sẵn sàng cho thuê và năng lực tài chính ổn định kỳ vọng sẽ hưởng lợi...

Logistics có thể được hưởng lợi gián tiếp do cơ sở hạ tầng, các tuyến đường được cải thiện tốt qua đó là chất xúc tác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài...

Nguồn: Agriseco Research. 

Chia sẻ trong Talkshow "Phố Tài chính", bà Trần Thị Khánh Hiền Giám đốc Khối Phân tích Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDirect cho rằng những nhóm ngành được hưởng lợi từ đầu tư công có thể kể đến như các nhà thầu, các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc vật liệu xây dựng.

Tuy nhiên điều này sẽ phụ thuộc vào những dự án cũng như thời điểm triển khai, chẳng hạn như những doanh nghiệp có năng lực, quy mô hàng đầu cũng như kết quả tốt trong quá khứ, sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

Cũng theo bà Hiền nếu nhìn xa hơn thì đầu tư công không chỉ thu hẹp trong phạm vi cơ sở hạ tầng giao thông mà còn liên quan đến rất nhiều nhóm khác chẳng hạn như cơ sở hạ tầng năng lượng - lĩnh vực sẽ thu hút cả đầu tư công lẫn đầu tư khu vực tư nhân trong thời gian tới.

Còn theo quan điểm của ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc nghiên cứu, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF), Chính phủ cũng đang thực hiện việc chuyển đổi số và đó cũng là một phần trong đầu tư công, tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành công nghệ thông tin.

Bên cạnh đó, nhóm logistic, công ty về bán lẻ và dịch vụ cũng được hưởng lợi. Về dài hạn, nếu đầu tư công được thực hiện hiệu quả sẽ mang lại hiệu ứng lan tỏa rất tích cực và mọi ngành nghề đều được hưởng lợi.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm