Tài chính

Độc lạ Trung Quốc: Đây là cách những chiếc máy bay chở khách cất cánh bằng... nồi lẩu

Một đặc trưng của món lẩu Tứ Xuyên chính là mỡ, rất nhiều mỡ. Đầu tiên, thực khách sẽ nhúng miếng thịt vào nước dùng cay ngập mỡ động vật đã được đun sôi trước khi chấm với gia vị đặc trưng và thưởng thức. Lẩu Tứ Xuyên là một món ngon và bóng nhẫy. Chính bởi thế, món ăn này tạo ra khoảng 12.000 tấn dầu thải mỗi tháng chỉ riêng ở thành phố Thành Đô.

Vào năm 2016, một công ty khởi nghiệp đã nhìn thấy tiềm năng từ thứ dầu thải này. Họ thu gom chúng và bắt đầu xuất khẩu sang châu Âu và Singapore, nơi chúng được tái chế thành thứ nhiên liệu đủ tinh khiết cho các động cơ máy bay.

Nhiên liệu phản lực từ những nồi lẩu

Tạo ra khoảng 2% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu, ngành công nghiệp hàng không đang đứng trước áp lực làm sao để chuyển xanh nhanh hơn. Họ cần tìm ra thứ nhiên liệu bền vững để giúp các động cơ phản lực vận hành.

Độc lạ Trung Quốc: Đây là cách những chiếc máy bay chở khách cất cánh bằng... nồi lẩu - Ảnh 1.

Công nhân thu gom dầu thải từ một nhà hàng ở Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc.

Một số hãng hàng không lớn bao gồm British Airways, Cathay Pacific Airways Ltd. và Delta Air Lines Inc. đang cam kết thay thế khoảng 10% nhiên liệu máy bay của họ bằng một thứ bền vững hơn vào năm 2030. Hiện có hơn 50 hãng hàng không bắt đầu thử nghiệm nhưng thực sự, ngành này cần thứ gì đó bền vững hơn nữa.

Không ai ngờ, giải pháp có thể được tìm thấy từ những nồi lẩu đã qua sử dụng tại Trung Quốc. Dầu thải từ nhà bếp đang nổi lên như một nguồn nhiên liệu máy bay bền vững dù chính nó cũng chưa thực sự bền vững. Quá trình chăn nuôi và gieo trồng, vốn tạo ra dầu mỡ, không phải một quy trình xanh. Ngược lại, chúng gây khá nhiều tác động với môi trường. Và ở Trung Quốc, nơi có hơn 1,4 tỷ người với niềm đam mê vô tận các loại đồ ăn nhiều dầu mỡ, đang trở thành nhà xuất khẩu dầu thải hàng đầu.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là biến những thứ dầu từ máng xối có thể bay lên trời”, Zhong Guojun, phó chủ tịch Công ty Công nghệ Môi trường Kim Thượng Tứ Xuyên – đơn vị đứng sau sự án xuất khẩu dầu thải, cho biết.

Công ty có trụ sở tại Thành Đô này thu gom dầu đã qua sử dụng, chủ yếu tại các nhà hàng lẩu tại thủ phủ 16 triệu dân của tỉnh Tứ Xuyên, sau đó loại bỏ các tạp chất. Sản phẩm cuối cùng của họ là thứ nhiên liệu sinh học, thường được gọi là dầu hỗn hợp công nghiệp. Họ đóng chúng vào những con tàu, đi về phía đông dọc theo sông Dương Tử đến cảng ở Thượng Hải, nơi chúng được xuất khẩu sang Neste Oyj, nhà sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững lớn nhất thế giới hay những gã khổng lồ năng lượng khác. Dầu này sẽ tiếp tục được tinh chế thành dầu diesel sinh học hoặc nhiên liệu máy bay.

Ban đầu, công ty được thành lập giữa cuộc khủng hoảng an toàn thực phẩm ở Trung Quốc nhằm ngăn chặn việc lọc và bán lại dầu máng xối ô nhiễm cho các nhà cung cấp thực phẩm, công ty này bắt đầu xuất khẩu dầu thừa để sử dụng cho lĩnh vực công nghiệp vào năm 2016, khi nhu cầu nhiên liệu sinh học lần đầu tiên tăng cao.

Độc lạ Trung Quốc: Đây là cách những chiếc máy bay chở khách cất cánh bằng... nồi lẩu - Ảnh 2.

Dầu thải sẽ trải qua quá trình lọc trước khi được đưa lên tàu, xuất khẩu sang các nhà sản xuất nhiên liệu sinh học ở Singapore hoặc châu Âu.

Và họ có lợi thế hơn bất cứ ai. Trung Quốc tiêu thụ nhiều dầu ăn nhất thế giới – hơn 41 triệu tấn mỗi năm. Cho đến nay, chưa tới 3 triệu tấn trong số đó được “hóa kiếp” thành dầu sinh học, thứ nhiên liệu đang được phương Tây ưa thích. Chính điều này tạo ra một dư địa phát triển khổng lồ, đặc biệt là khi các chính phủ và các nhà quản lý trên toàn cầu thắt chặt các quy định nhằm đáp ứng các mục tiêu phát thải tham vọng.

Có cầu ắt có cung

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế đã đưa ra kế hoạch giảm thiểu và bù carbon vào năm 2016, một động thái nhằm khuyến khích sử dụng các nhiên liệu bền vững bên cạnh cải tiến kỹ thuật và vận hành. Liên minh châu Âu cũng đang thắt chặt các quy định của mình, đưa ra yêu cầu mới buộc các máy bay và sân bay phải sử dụng 5% nhiên liệu hàng không bền vững vào năm 2030 và dần tăng lên 85% vào năm 2050.

Ở thời điểm hiện tại, nhiên liệu hàng không bền vững vẫn đắt hơn nhiều so với nhiên liệu thông thường nhưng các quy định này buộc các hàng hàng không phải đáp ứng. Một số hãng đã hợp tác với các công ty khởi nghiệp nhằm phát triển các công nghệ sạch hơn.

Độc lạ Trung Quốc: Đây là cách những chiếc máy bay chở khách cất cánh bằng... nồi lẩu - Ảnh 3.

Những gì còn sót lại từ các nồi lẩu đang trở thành nguồn cung tiềm năng cho loại nhiên liệu phản lực xanh.

“Khi xuất hiện nhu cầu, nguồn cung sẽ bắt kịp. Chúng ta đã thấy nhu cầu là rất lớn. Các công ty buộc phải chuyển sang nhiên liệu sinh học, bao gồm cả nhiên liệu phản lực, nếu không sẽ phải trả những khoản phí rất đắt đỏ”, Chong Cheng Tung, một chuyên gia về giảm phát thải, cho biết.

Năm ngoái, Neste đã công bố kế hoạch đầu tư 2,05 tỷ USD để tăng cường sản xuất các sản phẩm tái tạo. Họ đặt mục tiêu có thể tạo ra 1,2 triệu tấn nhiên liệu máy bay bền vững mỗi năm vào năm 2026. Và trong khi chỉ có 2 công ty trên thế giới tạo ra loại nhiên liệu bền vững cho máy bay ở quy mô thương mại trước năm 2021, tiềm năng là rất lớn. Ngoài ra, những gã khổng lồ năng lượng cũng bắt đầu quan tâm tới loại nhiên liệu này.

Ye Hao, giám đốc kinh doanh toàn cầu của Công ty Công nghệ Môi trường Kim Thượng Tứ Xuyên, cho biết: “Các công hoạt động trong lĩnh vực năng lượng bền vững sẽ cần mua thêm dầu thải và thị trường này ở Trung Quốc chắc chắn sẽ tăng trưởng mạnh”.

Độc lạ Trung Quốc: Đây là cách những chiếc máy bay chở khách cất cánh bằng... nồi lẩu - Ảnh 4.

Công ty Công nghệ Môi trường Kim Thượng Tứ Xuyên đang có kế hoạch mở rộng hoạt động của họ tại Trung Quốc khi nhu cầu với loại dầu từ máng xối đang tăng mạnh trên quy mô toàn cầu.

Công ty đặt mục tiêu tăng gấp đôi công nhân sản xuất trong năm nay bằng cách xây dựng cơ sở sản xuất mới và thu thập thêm dầu thải ở các địa phương khác ngoài Tứ Xuyên. Họ cũng có kế hoạch xây dựng các cơ sở tinh chế để tự biến dầu máng xối thành nhiên liệu sinh học.

Tuy nhiên, nhu cầu gia tăng từ các hãng hàng không cuối cùng sẽ vượt qua nhu cầu ăn lẩu Tứ xuyên của người Trung Quốc. Một nghiên cứu của Bloomberg cho thấy chất béo, dầu và mỡ thải chỉ có thể đáp ứng được hơn 4% nhu cầu toàn cầu về nhiên liệu máy bay bền vững vào năm 2030.

“Khi có thể tận dụng hết được tất cả dầu thải, chúng tôi sẽ phải tìm kiếm các nguyên liệu thô khác”, Chong cho biết.

Tham khảo: Bloomberg

Cùng chuyên mục

Đọc thêm