Theo nguồn tin của Tiền Phong , Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã có giao thiệp ở nhiều cấp để đề nghị Trung Quốc sớm mở tour đoàn đến Việt Nam.
Với chức năng nhiệm vụ được giao, Cục Hợp tác quốc tế đã trao đổi với Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, đề xuất sớm đưa Việt Nam vào danh sách các nước thí điểm đón khách Trung Quốc (sau khi nước này mở cửa từ 8/1/2023 - PV).
Cục Hợp tác quốc tế có cuộc trao đổi mang tính chuyên môn với Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, xuất phát từ nguyện vọng của nhân dân cũng như các đơn vị lữ hành. Trao đổi chuyên môn này nằm trong nội dung ký kết hợp tác giữa Bộ VHTTDL của Việt Nam và Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc.
Các cơ quan chính phủ, cơ quan quan quản lý du lịch của Việt Nam nỗ lực bằng nhiều hình thức, cấp độ khác nhau để trao đổi với Trung Quốc về chính sách mở cửa và hợp tác du lịch.
Bộ VHTTDL đã mời đại diện của Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam tới giao thiệp, trao đổi về hợp tác du lịch, trong đó có việc mở cửa du lịch giữa hai bên. Đại sứ quán Trung Quốc khẳng định, luôn coi trọng tình hữu nghị giữa hai nước. Ngay sau Tết Nguyên đán Quý Mão, cán bộ Đại sứ Trung Quốc đã đi tiền trạm về công tác chuẩn bị đón khách Trung Quốc đến Việt Nam.
Bên cạnh việc trao đổi với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam, Bộ VHTTDL cũng gửi văn bản tới Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, đề nghị sớm mở lại tour đoàn tới Việt Nam.
Sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách “zero COVID”, các hoạt động hợp tác giữa hai nước dần được nối lại. Cục hợp tác quốc tế bày tỏ sự kỳ vọng vào sự khôi phục và phát triển du lịch giữa hai quốc gia trong thời gian tới.
Về kiến nghị Trung Quốc sớm đưa Việt Nam vào danh sách mở các tour dành cho khách đoàn, trước đó phái đoàn của Việt Nam và Trung Quốc đã có buổi gặp mặt và trao đổi tại Diễn đàn du lịch ASEAN (ATF) 2023 tổ chức tại Indonesia từ 2-5/2/2023.
Khách Trung Quốc cũng mong muốn đến Việt Nam du lịch. Thông tin này được một số công ty lữ hành quốc tế đón khách Trung Quốc xác nhận với Tiền Phong . Phía đối tác Trung Quốc của các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam sớm trao đổi, liên hệ để chuẩn bị cho việc đưa, đón khách giữa hai nước.
Trước đó, ngày 6/2, Trung Quốc cho phép các công ty lữ hành thí điểm tổ chức tour du lịch quốc tế đến 20 nước trên thế giới, trong đó có nhiều quốc gia châu Á, nhưng không có Việt Nam. Thông tin này khiến các doanh nghiệp lữ hành như “ngồi trên đống lửa” bởi thị trường Trung Quốc vẫn được xem là tiềm năng, chiến lược và góp phần phục hồi du lịch nhanh chóng. Hầu hết doanh nghiệp lữ hành Việt Nam đã chuẩn bị kịch bản sẵn sàng để đón khách từ đất nước tỷ dân.
Ông Bùi Thanh Tú - Giám đốc Marketing cty Du lịch BestPrice - khẳng định, Việt Nam không nằm trong danh sách mở tour của Trung Quốc khiến những doanh nghiệp chuyên đón khách Trung Quốc hụt hẫng.
“Chúng ta chờ đợi Trung Quốc mở cửa du lịch khá lâu. Bởi trong tỷ trọng 18 triệu khách quốc tế tới Việt Nam năm 2019, khách Trung Quốc chiếm tới gần 40%. Năm 2022 chúng ta thiếu vắng hoàn toàn du khách Trung Quốc khiến cho tổng lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,5 triệu khách”, ông Bùi Thanh Tú nêu.
Vị này cũng cho rằng, các cơ sở lưu trú cho khách Trung Quốc trước kia sẽ chịu tác động lớn nhất, bởi lượng khách quốc tế và nội địa vẫn chưa đáp ứng đủ công suất phòng. Tuy nhiên, ông Bùi Thanh Tú nhận định đây là cơ hội để thay đổi ấn tượng của du khách quốc tế về điểm đến Việt Nam.
Ông Bùi Doãn Nề - Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp Hàng không Việt Nam - cũng kỳ vọng các đường bay đi, đến Trung Quốc có tần suất tăng theo đúng dự báo.
"Năm nay, sản lượng khách du lịch hy vọng đạt trên 70% so với năm 2019 - thời điểm trước dịch COVID-19", ông Bùi Doãn Nề chia sẻ với Tiền Phong .