Sức khỏe

Đầu tàu kinh tế TPHCM, vì sao mức sinh thấp nhất cả nước?

Tóm tắt:
  • Chi phí đô thị cao tại TPHCM gây áp lực tài chính cho các cặp vợ chồng trẻ, khiến họ ngại sinh con.
  • Nhiều gia đình chỉ sinh 1 con do lo ngại về chi phí sinh hoạt và giáo dục.
  • Mức sinh tại TPHCM thấp nhất cả nước, chỉ khoảng 1,39 con/phụ nữ vào năm 2024.
  • Thanh niên ở TPHCM kết hôn muộn và có xu hướng sinh ít con hơn, ảnh hưởng đến cấu trúc dân số.
  • Cần có chính sách đồng bộ để khuyến khích người dân sinh đủ 2 con, giảm áp lực cho thế hệ tương lai.

Nhiều gia đình ở TPHCM chỉ sinh 1 con

Vợ chồng chị Hoài, anh Dương (37 tuổi) cùng người con vừa vào lớp 1 hiện sống tại TP Thủ Đức, TPHCM. Tổng thu nhập 45 triệu đồng gom từ các nguồn mỗi tháng chỉ đủ để chi trả những khoản thiết yếu, "cứng cựa" như trả góp mua nhà, sinh hoạt phí, lo con ăn học, y tế rồi gửi biếu ông bà hai bên để dưỡng già, chăm sóc sức khỏe. Hàng tháng, họ chỉ dành dụm ra được 2-3 triệu đồng tiết kiệm phòng lúc sa cơ, một trong hai người nhỡ mất việc, ốm đau.

"Tiền đâu mà đẻ", chị Hoài thở dài khi đáp lời nguyên nhân không sinh thêm con. "Thời này chăm con khổ quá, chẳng dám đèo bồng thêm, có phải 'trời sinh voi, trời sinh cỏ' như xưa đâu", chồng chị tiếp lời. 

TPHCM là nơi có mức sinh thấp nhất vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Liên tục trong 5 năm (2019-2024), mức sinh tại đây chỉ xung quanh 1,32-1,53 con. Năm 2024, mức sinh nhích lên 1,39 con/phụ nữ. Điều này có nghĩa là rất nhiều gia đình tại TPHCM chỉ sinh 1 con.

Vì sao có kinh tế tốt nhưng người dân ngại sinh?

Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người ở TPHCM là 7.600 USD/năm, cao hơn 1,7 lần bình quân đầu người cả nước. Trong sáu vùng kinh tế - xã hội, Đông Nam Bộ (gồm TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu) là vùng có thu nhập bình quân đầu người một tháng cao nhất (theo Niên giám thống kê năm 2023).

Tuy nhiên, đây cũng là vùng có mức sinh thấp nhất cả nước (1,48 con/phụ nữ, thấp nhất trong 15 năm nay).

"TPHCM là đô thị lớn, chi phí đô thị tạo áp lực kinh tế cho các cặp vợ chồng trẻ về sinh hoạt, nhà ở, vui chơi, giải trí, tác động trực tiếp tới tình trạng mức sinh thấp của thành phố", ông Phạm Chánh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Dân số TPHCM, nói.

Địa phương Thu nhập bình quân đầu người/tháng (đồng) Mức sinh (con/phụ nữ)
TPHCM 6.516.000 1,57 
Đồng Nai 6.579.000 1,54 
Bình Dương 8.298.000 1,39 

Theo nền tảng dữ liệu Numbeo, trung bình một gia đình 4 người tại TPHCM cần chi 1.746 USD mỗi tháng cho cuộc sống, tương đương 44,2 triệu đồng (không gồm thuê nhà, không có trẻ em đi nhà trẻ và học trường tư thục).

Theo Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng, Phó cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), trên bình diện cả nước, mức sinh thấp đến từ nhiều nguyên nhân. Tại khu vực thành thị, nơi người dân có điều kiện kinh tế tốt hơn, mức sinh chỉ 1,67 con/phụ nữ, việc thiếu trường học, nỗi lo về học phí, chi phí sinh hoạt... khiến nhiều người e ngại sinh con.

"Nhiều người Việt cũng có tâm lý muốn hưởng thụ, dành thời gian, tiền bạc cho các thú vui cá nhân mà không muốn sinh con", Tiến sĩ Phạm Vũ Hoàng nói.

Ngoài ra, kết quả của sự phát triển khi phụ nữ học tập dài hơn và tham gia thị trường lao động nhiều hơn cũng thúc đẩy việc trì hoãn kết hôn, sinh đủ 2 con. Thanh niên sẽ kết hôn muộn hơn, sinh con muộn hơn và sinh ít hơn cho đến khi việc làm và thu nhập đã ổn định.

anh man hinh 2025 03 31 luc 175545 30548.jpg
Em bé chào đời tại Bệnh viện Từ Dũ (TPHCM) đầu năm 2025. Ảnh: BVCC
Sự phổ biến của không gian số, xu thế con người giao tiếp trên thế giới ảo nhiều hơn ngoài đời thật cũng ảnh hưởng tới xu thế không kết hôn và sinh con. Cùng với đó, sự hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng, xu hướng mức sinh xuống thấp sẽ càng được củng cố, lan rộng. Cục trưởng Cục Dân số Lê Thanh Dũng

Thanh niên ở TPHCM - nơi năng động nhất cả nước này - có xu hướng kết hôn muộn hơn mức trung bình. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên TPHCM cao nhất cả nước (trên 30 tuổi), riêng nam giới tuổi kết hôn lần đầu là 31,5; trong khi nữ giới gần 29 tuổi mới xây dựng gia đình.

Hệ luỵ từ việc kéo dài mức sinh thấp

Nhiều chuyên gia cho rằng, mức sinh thấp kéo dài không chỉ là vấn đề của riêng mỗi gia đình mà sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc dân số của đất nước, vùng, miền, địa phương. Thiếu hụt lao động, đẩy nhanh tốc độ già hóa là những điều có thể nhìn thấy trước, qua đó gây áp lực lên hệ thống chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội. 

Tại TPHCM, dù già hóa dân số xuất hiện muộn hơn cả nước 6 năm, nhưng hiện số người cao tuổi tại đây lên hơn 1,1 triệu, chiếm 12,05% dân số.

Thách thức kép mức sinh thấp và già hóa dân số làm suy giảm và lãng phí nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, giảm năng suất và sự sáng tạo trong xã hội, làm ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Cha mẹ trẻ có nhiều áp lực để không sinh đủ 2 con. Nhưng thế hệ trẻ em là con một hôm nay cũng có áp lực lớn khi lớn lên theo sự đầu tư và kỳ vọng rất lớn từ gia đình. Chưa kể, tương lai, trẻ còn có áp lực trong việc nuôi dưỡng và phụng dưỡng cha mẹ trong truyền thống. 

Câu chuyện thế hệ con một tại Trung Quốc được nhiều chuyên gia đề cập đến từ lâu, đó là mô hình nhân khẩu học với công thức 4-2-1 (tức một đứa trẻ được chăm sóc bởi bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại). Khi trưởng thành, đứa trẻ con một bây giờ sẽ đối mặt với công thức ngược lại 1-2-4 (tức một đứa trẻ sẽ phải cùng lúc chăm sóc bố mẹ và bốn ông bà nội, ngoại).

Ông Phạm Chánh Trung cho rằng, muốn giải quyết được câu chuyện mức sinh thấp tại TPHCM cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Chính sách cần thực hiện đồng bộ, toàn diện, về giáo dục, y tế, văn hóa, vui chơi, giải trí, nhà ở xã hội, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân...

"Chỉ khi nào người dân thực sự thấy thoải mái, an tâm với chuyện nuôi dạy con cái thì sẽ tự nguyện sinh đủ 2 con", ông Trung nói.

Các tin khác

Đang hoàn thiện công đoạn cuối cao tốc hơn 12.500 tỷ qua Hà Tĩnh

Cao tốc Vũng Áng - Bùng có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, sau hơn 2 năm thực hiện công trình đã gần về đích và bàn giao đưa vào sử dụng vào tháng 6. Hầm Đèo Bụt trên cao tốc Vũng Áng - Bùng qua Hà Tĩnh được đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng đang trong giai đoạn hoàn thiện, kịp bàn giao đưa vào sử dụng.

Doanh nghiệp bất động sản có thể tìm nguồn vốn mới từ đâu?

Một câu chuyện rất gian nan của các doanh nghiệp bất động sản là nguồn vốn để có thể vực dậy. Nguồn vốn của nhóm này chủ yếu đến từ vay ngân hàng, phát hành trái phiếu và một phần ứng trước từ khách hàng. Với những gì đã diễn ra, doanh nghiệp bất động sản phải chắc chắn thực hiện được hoạt động xây dựng, bàn giao thì mới có thể lấy lại được niềm tin từ khách hàng, nhà đầu tư.

Phát hiện tài khoản VietinBank ít khi sử dụng có thêm 35 triệu đồng, chuyển khoản từ hơn 2 tháng trước: Người phụ nữ An Giang sợ bị lừa liền báo công an

Do đây là tài khoản ít sử dụng nên gần 3 tháng sau, chị P mới phát hiện số tiền lạ trong tài khoản của mình. Với tinh thần cảnh giác với các loại tội phạm công nghệ cao, chị đã nhanh chóng đến công an trình báo.

Nhận thông báo số dư bằng giọng nói ngay trên app LPBank của Ngân hàng Lộc Phát

Ngân hàng Lộc Phát (LPBank) ra mắt Dịch vụ Thông báo số dư bằng giọng nói ngay trên ứng dụng di động LPBank, mở ra một kỷ nguyên mới cho việc quản lý tài chính, đặc biệt dành cho các hộ kinh doanh và tiểu thương. Dịch vụ giúp người dùng nhanh chóng nhận diện giao dịch thành công, tránh rủi ro gian lận và thuận tiện trong làm việc.

Tin xem nhiều