Tài chính

Chưa nắm rõ thông tin khi vay tiền, nhiều người vướng vào "tín dụng đen", bị quấy rối, đe dọa

Chia sẻ tại Toạ đàm “Bảo vệ người tiêu dùng tài chính: Thực trạng và giải pháp" do Báo Công Thương tổ chức sáng 19/10, ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (NTD), Bộ Công Thương cho biết, trong năm 2020, đã có hơn 1.500 vụ việc khiếu nại, trong đó có gần 10% số vụ việc khiếu nại, tương đương 150 vụ việc liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, xếp thứ 2 trong nhóm hàng hóa, dịch vụ có nhiều khiếu nại.

Sang năm 2021, số lượng vụ việc khiếu nại về tài chính, ngân hàng gia tăng là khoảng 200 vụ việc, chiếm 8% trong tổng số gần 2.600 vụ việc khiếu nại gửi tới Cục.

Theo ông Bách, con số trên đã phản ánh đúng thực trạng trong giai đoạn 2020 - 2021 khi các cơ quan quản lý nhà nước, các lực lượng chức năng đã tăng cường hình thức đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực tài chính, tiêu dùng. Đồng thời, các tổ chức xã hội, các ngân hàng, các công ty tài chính đã đẩy mạnh biện pháp, tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người tiêu dùng nên tỷ lệ khiếu nại trong lĩnh vực này giảm đi.

Ông Bách cũng cho biết, năm 2020 chủ yếu khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến quá trình ký kết hợp đồng cho vay như: Cung cấp thông tin không chính xác, không đầy đủ; hình thức giao kết hợp đồng không đảm bảo đúng phát luật,…

Còn năm 2021, nội dung khiếu nại lại liên quan đến việc thực hiện hợp đồng cho vay. Trong đó, nổi bật là các hành vi thu nợ, nhắc nợ kèm theo hành vi quấy rối, đe dọa, thậm chí là gọi điện thu nợ nhầm người không có khoản vay với các công ty tài chính, ngân hàng.  

Ông Hồ Tùng Bách, Phó Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương. (Ảnh: Báo Công Thương).

Thiếu thông tin cho người tiêu dùng

Ông Bách cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ việc khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là việc tư vấn thông tin. Việc tư vấn thông tin cần được thực hiện bao gồm từ hai khía cạnh, chủ động và bị động từ phía nhân viên của công ty tài chính.

Chủ động là khi khách hàng tiếp cận đến dịch vụ, nhân viên tư vấn sẽ chủ động đặt các câu hỏi để nắm rõ được nhu cầu của khách hàng.

Trong hoàn cảnh cần vay tiền gấp, người tiêu dùng có thể bỏ qua việc tìm hiểu thông tin nhưng nếu nhân viên tư vấn thể hiên sự nhiệt tình, chủ động trong việc tư vấn và cung cấp thông tin thì sẽ là một trong những biện pháp tốt nhằm tăng cường bảo vệ quyền lợi của khách hàng giúp khách hàng hiểu được và lựa chọn được gói vay phù hợp. Đồng thời, sẽ tránh được các rủi ro phát sinh mà người tiêu dùng không lường trước được do không hiểu đầy đủ thông tin và dẫn đến những hệ quả về sau, ông Bách cho hay.

Đồng thời, theo ông Bách hiện bức tranh bảo vệ người tiêu dùng tài chính, vẫn có những khoảng trống nhất định, gồm: Thiếu hụt về các quy định pháp lý chuyên ngành, thiếu hụt cơ chế giải quyết khiếu nại đặc thù và là thiếu hụt cơ quan đầu mối chuyên trách để thực hiện việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính.

Một vấn đề nữa một số nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Australia, Nhật,… các quốc gia này đều chú trọng đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính song Việt Nam chưa có cơ chế đặc thù.

Ví dụ như Mỹ, Nhật có cơ quan nhà nước riêng về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính. Còn Australia có các tổ chức, Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính để giải quyết riêng các khiếu nại về tài chính…

Điều đó cho thấy, vấn đề bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tài chính là vấn đề song hành với sự phát triển của nền kinh tế, là vấn đề mà Việt Nam trong thời gian sớm nhất cần tìm ra những giải pháp phù hợp để đảm bảo sự phát triển toàn diện của nền kinh tế.

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. (Ảnh: Báo Công Thương). 

Cần kiên quyết xử lý các DN tài chính vi phạm quyền lợi NTD

Ông Vũ Văn Trung, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cũng cho rằng, thực tế tỷ lệ tiếp cận được các thông tin của các tổ chức, cá nhân tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng là chưa đủ. Có thể có nhiều đối tượng đã tiếp cận được thông tin, nhưng với số lượng rất ít và không đầy đủ. 

Lấy ví dụ về trường hợp một người tiêu dùng tại Hà Nội, anh này đã đến trực tiếp văn phòng Hội xin tư vấn về sự việc anh này tới ngân hàng để vay tín dụng tiêu dùng, tuy nhiên nhân viên ngân hàng lại yêu cầu thực hiện mua bảo hiểm tín dụng và nếu muốn số tài khoản tín dụng đẹp thì phải trả phí.

Trước sự việc này, ông Trung cho biết, hiện không có quy định việc bắt buộc người vay phải mua bảo hiểm. Đối với bảo hiểm tiền gửi thì có thể có, nhưng bảo hiểm đối với người vay thì không có lý và không bắt buộc.

Bên cạnh đó, việc cung cấp sổ tín dụng đẹp người tiêu dùng phải mất tiền mua cũng là việc không lý. Do đó, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng đã khuyên người tiêu dùng này phải thận trọng, khi cảm thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm thì cần dừng lại, tìm hiểu và không nên tin tưởng vào dịch vụ đó, tránh thiệt hại về mọi mặt.

Theo ông Trung, đối với việc bảo vệ người tiêu dùng, hiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang sửa đổi, trong đó có bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Có điều nên chăng chúng ta thêm một nội dung hoặc một điều khoản riêng về người tiêu dùng tài chính để đầy đủ về mặt văn bản, ông Trung nêu đề xuất.

Ông Trung cũng nhấn mạnh rằng, bên cạnh việc hoàn thiện công cụ pháp lý, quan trọng nhất vẫn là kiểm soát thị trường, kiên quyết có những biện pháp xử lý nghiêm những doanh nghiệp hoạt động không giấy phép, hoặc các doanh nghiệp có giấy phép nhưng cố tình làm sai, vi phạm quyền lợi người tiêu dùng tài chính. Một số nước phát triển trên thế giới, họ có một số cách cụ thể để xử lý vấn đề này còn Việt Nam chưa làm được. 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm