Tại báo cáo gửi Quốc hội ngày 18/10 về nợ công năm 2022 và dự kiến năm 2023, Chính phủ cho biết yêu cầu tổng khối lượng huy động vốn của Chính phủ cả năm 2022 đạt khoảng 619.492 tỷ đồng.
Trong đó vay cho cân đối NSTW 600.046 tỷ đồng (đạt 92,8% dự toán vay cho NSTW được Quốc hội phê duyệt), rút vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài để cho vay lại đối với các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chính quyền địa phương ước 19.446 tỷ đồng (đạt 72,8% kế hoạch được Thủ tướng Chính phê duyệt).
Khối lượng huy động vốn nêu trên nhằm mục tiêu đáp ứng nhu cầu của NSNN, trong trường hợp thu ngân sách đạt khá, giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSTW chậm, khối lượng huy động sẽ điều chỉnh giảm dẫn đến tỷ lệ an toàn nợ công giảm tương ứng.
Nguồn huy động vốn của Chính phủ chủ yếu từ nguồn vay trong nước 569.976 tỷ đồng (chiếm 92%), chủ yếu thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP); rút vốn vay ODA, vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài khoảng 49.515 tỷ đồng (chiếm 8%), trong đó cấp phát NSTW khoảng 30.070 tỷ đồng3 và vay nước ngoài về cho vay lại khoảng 19.446 tỷ đồng.
Chính phủ cho biết trong bối cảnh thu NSTW dự kiến cả năm 2022 vượt dự toán, giải ngân vốn đầu tư công nguồn NSTW còn chậm, tồn quỹ NSTW đảm bảo đáp ứng các nhu càu chi của NSTW, Chính phủ sẽ chỉ đạo công tác phát hành TPCP những tháng còn lại năm 2022 phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chi NSTW năm 2022.
Về huy động vốn nước ngoài, các khoản vay ưu đãi theo hiệp định đạt khoảng 184,6 triệu USD trong 9 tháng đầu năm. Dự kiến đến cuối năm, 6 hiệp định vay ưu đãi nước ngoài với tổng trị giá khoảng 188 triệu USD sẽ được ký kết.
Năm nay, tổng trả nợ của Chính phủ ước khoảng 324.583 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 294.300 tỷ đồng, đạt 98% dự toán, trả nợ vay nước ngoài về cho vay lại ước khoảng 30.283 tỷ đồng.
Nghĩa vụ trả nợ các khoản vay trong nước chiếm trên 82% tổng nghĩa vụ trả nợ của NSTW. Chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2022 so với thu NSNN khoảng 18-19%, đảm bảo trong phạm vi mức trần 25% được Quốc hội cho phép.
Năm nay, ngân sách địa phương vay 19.184 tỷ đồng. Khoản trả nợ gốc khoảng 3.309 tỷ đồng; trả nợ lãi, phí 1.818 tỷ đồng. Bội chi ngân sách địa phương dự kiến là 15.875 tỷ đồng, giảm 9.125 tỷ so với dự toán Quốc hội quyết định.
Theo đánh giá của Chính phủ, các chỉ tiêu an toàn nợ công đến cuối năm 2022 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ trong giới hạn được Quốc hội phê chuẩn, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia và góp phần củng cố tính bền vững của chính sách tài khóa tạo dư địa dự phòng để có thể chủ động ứng phó với rủi ro vĩ mô.
Cơ cấu nợ Chính phủ đến cuối năm 2022 tiếp tục duy trì theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra. Dư nợ trong nước tăng lên, chiếm 70% dư nợ Chính phủ, chủ yếu là TPCP có kỳ hạn phát hành dài; nợ nước ngoài chủ yếu vẫn là vay ODA, vay ưu đãi dài hạn.
Ngoài ra, nợ được Chính phủ bảo lãnh tiếp tục xu hướng giảm mạnh, từ mức 8,8% GDP năm 2015 xuống còn khoảng 3,2% GDP năm 2022.
Dư nợ vay bằng tiền VND chiếm phần lớn danh mục nợ Chính phủ, dự kiến đạt trên 70% đến hết năm 2022. Kỳ hạn phát hành bình quân của danh mục nợ tiếp tục duy trì tương đối dài, lãi suất hợp lý, phù hợp với diễn biến thị trường.
Kế hoạch 2023, dự kiến huy động vốn vay 644.515 tỷ đồng, bao gồm: vay bù đắp bội chi NSTW 430.500 tỷ đồng; vay để trả nợ gốc của NSTW 190.515 tỷ đồng; vay về cho vay lại 23.500 tỷ đồng.
Nguồn huy động kết hợp linh hoạt các công cụ như phát hành TPCP; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài. Trong trường hợp cần thiết, có thể vay từ những nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành TPCP trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước.
Dựa trên nhiệm vụ huy động vốn năm 2023 và các nguồn huy động trên, Chính phủ dự kiến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp khoảng 293.405 tỷ đồng, nghĩa vụ trả nợ vay về cho vay lại khoảng 33.648 tỷ đồng.
Chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách vẫn trong mức trần 25% Quốc hội phê duyệt. Dư nợ bảo lãnh cho doanh nghiệp vay trong nước khoảng 10.073 tỷ đồng, bảo lãnh vay nước ngoài khoảng 116.564 tỷ đồng.
Báo cáo của Chính phủ cũngcũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bao gồm giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, nhất là với vốn ODA, dự kiến chỉ đạt 65% kế hoạch vào cuối năm 2022.
Áp lực tăng vay, điều kiện thị trường vốn quốc tế và trong nước không thuận lợi dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng. Trong khi đó, phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép giảm giá của đồng tiền Việt Nam, ảnh hưởng nghĩa vụ trả nợ, nhất là nợ bằng USD, và tạo ra những rủi ro cho việc thực hiện các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ nước ngoài.
Đối với nợ trong nước, đến cuối tháng 9, mặt bằng lãi suất phát hành TPCP trong nước đã tăng đáng kể trên tất cả kỳ hạn.