Trước biến động của thị trường vàng, chứng khoán, chững lại của BĐS, trong 6 tháng đầu năm 2022, người dân cả nước đã mang thêm gần 320.000 tỷ đồng gửi tiết kiệm ngân hàng để lấy lãi. Số dư tiền gửi tiết kiệm của người dân tại thời điểm tháng 6/2022 là 5.629.046 tỷ đồng.
Trong thời gian qua, các ngân hàng tiếp tục cuộc đua lãi suất tiết kiệm. Tính đến giữa tháng 10, Kiên Long là ngân hàng có lãi suất huy động 12 tháng cao nhất tại quầy với 8,3%. Quán quân toàn thị trường thuộc về VietABank khi ngân hàng này trả 8,7% cho khách gửi online. Trong khi đó, SCB có lãi suất tiết kiệm cao nhất ngành ngân hàng với 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng.
Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng đang có lãi tiết kiệm khá cao như Bắc Á (8,3%/năm), Bảo Việt (7,9%/năm), Kiên Long (8,6%/năm), MSB (8%/năm), Nam Á Bank (8,4%/năm), PVcomBank (7,75%/năm), OCB (7,85%/năm), Techcombank (8%/năm); VPBank (8%/năm), Bản Việt (8,6%/năm),…. trong đó một số ngân hàng có điều kiện về số tiền gửi và kỳ hạn gửi.
Lượng tiền người dân gửi tiết kiệm trong tháng 7 giảm mạnh
Dù các ngân hàng liên tục tăng lãi tiết kiệm để huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ trong dân, thống kê của Ngân hàng nhà nước cho thấy lượng tiền người dân gửi tiết kiệm thêm đã giảm mạnh trong tháng 7/2022.
Theo đó, trong tháng 7, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng lên so với tháng 6 chỉ 9.601 tỷ đồng. Đây là mức tăng thêm thấp nhất kể từ đầu năm 2022. Số dư tiền gửi tiết kiệm khu dân cư thời điểm tháng 7/2022 là 5.629.046 tỷ đồng.
Trước đó, tháng 1/2022, lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân tăng thêm mạnh nhất với 103.166 tỷ đồng; tháng 4/2022, người dân cũng mang thêm 57.597 tỷ đồng gửi tiết kiệm; tháng 6/2022 lượng tiền gửi tiết kiệm của người dân cũng tăng thêm 50.468 tỷ đồng.
Gặp khó trong việc huy động tiền nhàn rỗi từ người dân, hàng loạt ngân hàng đã gặp khó khăn về thanh khoản đẩy lãi suất liên ngân hàng vượt 10%/năm vào hồi đầu tháng 10 vừa qua.
Để giảm áp lực về thanh khoản trên thị trường liên ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mạnh tay bơm tiền ra thị trường trong nửa đầu tháng 10.
Theo đó, từ đầu tháng 10, NHNN chưa bán ra bất kỳ tín phiếu nào trên thị trường mở, thay vào đó, nhà điều hành đã mua vào gần 127.000 tỷ đồng tín phiếu để bơm ra lượng tiền tương ứng.
Trước việc nhiều nhà băng đang gặp khó khăn về thanh khoản, giới đầu tư tài chính cho rằng trong thời gian tới các ngân hàng sẽ tiếp tục có những đợt điều chỉnh tăng lãi tiết kiệm nhằm huy động tối đa lượng tiền nhàn rỗi của người dân để hỗ trợ cho vấn đề thanh khoản của ngân hàng.