Câu chuyện của bác sĩ Sơn với chúng tôi trong một chiều cuối tuần nối dài không ngớt, đặc biệt là khi anh say sưa kể về cơ duyên đặc biệt với lĩnh vực truyền nhiễm – vốn được xem là "nghèo và ngách" của ngành y, cùng với đó là những ưu tư lẫn ấp ủ cho tương lai.
Nghề y vốn không phải là chọn lựa của anh thời trẻ nhưng khi đang học cấp ba, chứng kiến một người bạn thân bị u não và gặp khó khăn trong điều trị, anh đã có quyết định cho riêng mình. Bước vào giảng đường y khoa, chàng sinh viên Vũ Trường Sơn hăng hái tham gia các hoạt động tình nguyện, trong đó, vô cùng đáng nhớ là thời gian thực tập vào đầu những năm 2000, khi nhận chăm sóc và điều trị cho các bệnh nhân Lao, HIV. Đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất cao nhưng đây lại là một trong những cơ duyên đặc biệt đưa anh dấn thân vào lĩnh vực truyền nhiễm.
Bác sĩ Sơn có 13 năm công tác nhiều vị trí trong lĩnh vực truyền nhiễm
13 năm công tác trong lĩnh vực chống nhiễm khuẩn và bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Sơn cảm thấy thực sự đam mê với nghề, dù đây là lĩnh vực mà mọi người nói vui là… lĩnh vực nghèo của ngành y. Bởi thực sự rất hiếm bệnh viện tại Việt Nam chú trọng lĩnh vực này. Tuy vậy, khi Covid-19 xuất hiện, vai trò của các bác sĩ bệnh truyền nhiễm đã trở nên vô cùng quan trọng và bác sĩ Sơn đã để lại dấu ấn của mình trong đại dịch vừa qua.
Bác sĩ Sơn là một trong những người điều phối chính tại bệnh viện trong đợt Covid-19 bùng phát
Ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến chống lại đại dịchzz Covid-19, bác sĩ Sơn đã luôn xông xáo ở tuyến đầu, túc trực tại bệnh viện 24/7, không ngừng trấn an đội ngũ, ngày đêm huấn luyện đưa ra các quy trình bảo vệ đội ngũ và bệnh nhân chống lại dịch bệnh. Bằng kiến thức và kinh nghiệm nhiều năm, bác sĩ Sơn đã hiểu được bản chất của bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp để đưa ra những biện pháp phòng chống phù hợp, sẵn sàng đối đầu với những nỗi sợ mơ hồ, từ đó động viên các bác sĩ tiếp tục chiến đấu, chăm sóc bệnh nhân.
Khi vắc xin ra đời, gặp nhiều nghi vấn, bác sĩ Sơn lại là người động viên đội ngũ và cộng đồng thực hiện tiêm chủng. Người thầy thuốc tâm huyết và dũng cảm này còn quyết liệt hỗ trợ cho các đội y tế của bệnh viện được "thông tuyến" qua những chốt chặn kiểm soát đi lại để đến nhiều nơi tiêm chủng cho các bệnh nhân của có nguy cơ cao, cần được tiêm chủng kịp thời.
Sau khi Covid tạm lắng và tất cả bước sang trạng thái bình thường mới, bác sĩ Sơn đề xuất với Ban giám đốc Bệnh viện thành lập Khoa Truyền nhiễm, nhằm tăng cường lá chắn chống nhiễm khuẩn bệnh viện, bảo vệ bệnh nhân và đội ngũ y tế cũng như góp phần ngăn ngừa các hiểm họa lây nhiễm trong thời gian tới.
"Với việc thành lập Khoa Truyền nhiễm, mục tiêu gần là tôi muốn đóng góp một phần sức của mình cho bệnh nhân và các bác sĩ chống dịch. Mục tiêu xa là muốn xây dựng nơi đây trở thành trung tâm điều trị các bệnh lý truyền nhiễm hàng đầu cả nước", bác sĩ Sơn chia sẻ.
Bác sĩ Sơn từng điều trị thành công cho nhiều ca nhiễm trùng nặng, nhận được sự tin tưởng của nhiều bác sĩ đa chuyên khoa tại bệnh viện
Ngoài việc tập trung điều trị các bệnh lý truyền nhiễm, nhiễm khuẩn, tại đây còn đảm nhiệm vai trò quản lý sử dụng kháng sinh cho tất cả bệnh nhân. Nói về vấn đề lạm dụng thuốc kháng sinh, vẻ ưu tư hiện rõ trên gương mặt vị bác sĩ trẻ. Anh cho biết, trong số các bệnh nhân thực hiện tầm soát vi khuẩn kháng thuốc, có 1/3 người trước đó đã mang những mầm vi khuẩn đa kháng (tức kháng nhiều loại kháng sinh) từ cộng đồng, dẫn đến các thuốc điều trị thông thường không hiệu quả nữa, bệnh nhân có nguy cơ gặp biến chứng nặng nề, thậm chí có thể tử vong, cũng như nguy cơ phát tán mầm bệnh đa kháng cho gia đình, cộng đồng. Bác sĩ Sơn coi đây là một hiểm họa chưa được đánh giá đúng mức, cần được quan tâm và phòng ngừa bằng các hướng dẫn sử dụng kháng sinh đúng và đủ.
Các thiết bị hiện đại được trang bị nhằm hỗ trợ tối đa cho khoa.
Bác sĩ Sơn cũng mong muốn nâng cao ý thức của người dân về hệ quả nguy hại của thói quen dùng kháng sinh không hợp lý, khiến cho các bệnh ngày càng khó điều trị hơn, thậm chí không thể điều trị được.