Doanh nhân

Chủ tịch Fed cảnh báo mạnh nhất từ trước đến nay về hậu quả kinh tế từ thuế quan của ông Trump

Tóm tắt:
  • Chính sách thuế quan của Tổng thống Trump gây khó khăn cho Fed với lạm phát, thất nghiệp và tăng trưởng suy yếu.
  • Chủ tịch Fed Jerome Powell cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng từ các chính sách thuế quan này.
  • Các mức thuế cao có thể làm tăng giá hàng hóa, giảm tiêu dùng và khiến người lao động mất việc.
  • Nền kinh tế Mỹ có nguy cơ quay lại tình trạng lạm phát đình trệ, tương tự như những năm 1970-1980.
  • Fed hiện chưa có hành động mạnh, chờ thêm dữ liệu rõ ràng để định hướng chính sách trong tương lai.

Fed lo ngại các chính sách thuế quan của ông Trump

Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago ngày 10/4, Chủ tịch Fed Jerome Powell thẳng thắn cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng từ các chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump. Ông gọi đây là “những thay đổi chính sách mang tính nền tảng”, vượt ra ngoài mọi khuôn khổ kinh nghiệm hiện đại mà Fed từng đối mặt.

Powell cho biết các mức thuế mà chính quyền Trump đã công bố cao hơn rất nhiều so với dự đoán và sự bất định kéo dài xung quanh các chính sách này có thể gây tổn hại lâu dài cho nền kinh tế. Căng thẳng nằm ở chỗ: cùng lúc Fed phải đối mặt với ba vấn đề – tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp gia tăng và lạm phát tăng nhanh.

“Chúng ta có thể sẽ rơi vào một tình huống khó khăn, khi hai mục tiêu kép của Fed (kiểm soát lạm phát và đảm bảo việc làm tối đa) xung đột với nhau,” ông Powell nói.

Ngay trong lúc Chủ tịch Fed phát biểu, thị trường chứng khoán Mỹ phản ứng tiêu cực: Chỉ số Dow Jones lao dốc 700 điểm (tương đương 1,7%), S&P 500 giảm 2,5%, còn Nasdaq – nơi tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ – tụt 3,5%.

Các chính sách thuế quan hiện tại bao gồm mức thuế 25% với nhôm và thép; 25% với hàng hóa từ Mexico và Canada không tuân thủ thỏa thuận thương mại; thuế “khổng lồ” 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc; 25% với ô tô và chuẩn bị thêm thuế với phụ tùng ô tô. Ngoài ra còn có mức thuế cơ bản 10% cho mọi mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ, cùng với kế hoạch áp thuế riêng biệt lên các ngành như bán dẫn, dược phẩm, đồng và gỗ.

Dù một số mặt hàng điện tử được miễn tạm thời, giới kinh tế cho rằng ảnh hưởng toàn diện của các mức thuế này sớm muộn sẽ “ngấm” vào nền kinh tế, làm tăng giá hàng hóa, giảm tiêu dùng và khiến người lao động mất việc.

Mặc dù ông Trump nhiều lần khẳng định “nước ngoài phải trả thuế”, nhưng Chủ tịch Fed khẳng định: “Người dân Mỹ sẽ gánh phần lớn chi phí này.” Theo Powell, chính thuế quan là nguyên nhân khiến giá cả tăng, tăng trưởng chậm lại và thất nghiệp có khả năng leo thang trong thời gian tới.

Lạm phát có thể không lập tức bùng phát, nhưng “khả năng cao là sẽ tăng,” ông nhấn mạnh. Vấn đề đặt ra là mức độ ảnh hưởng sẽ nghiêm trọng đến đâu và có vượt khỏi tầm kiểm soát của Fed hay không.

Hiện tại, lạm phát tuy đã giảm so với đỉnh cao của năm 2022 nhưng vẫn vượt ngưỡng mục tiêu 2% của Fed. Điều này khiến ngân hàng trung ương ít có lý do để hạ lãi suất nhằm kích cầu.

Chủ tịch Fed Jerome Powell 

Chủ tịch Fed Jerome Powell 

Liệu kinh tế Mỹ có rơi vào tình trạng “lạm phát đình trệ”?

Theo nhiều chuyên gia, nền kinh tế Mỹ đang có nguy cơ quay trở lại thời kỳ “stagflation” – lạm phát đình trệ – như những năm 1970-1980, khi lạm phát cao và thất nghiệp cùng lúc gia tăng. Khi đó, Fed dưới thời Chủ tịch Paul Volcker buộc phải ưu tiên kiểm soát lạm phát, dù phải chấp nhận hi sinh tăng trưởng.

Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago, Austan Goolsbee, gọi các loại thuế quan hiện nay là “cú sốc tiêu cực về nguồn cung”, có khả năng khiến cả hai mục tiêu của Fed trở nên khó đạt được cùng lúc. “Giá tăng, việc làm giảm, tăng trưởng chậm – không có sách giáo khoa nào hướng dẫn cụ thể cách ứng phó với tình huống này,” ông nhận định.

Jerome Powell cũng thừa nhận nếu tình trạng lạm phát đình trệ trở thành hiện thực, Fed sẽ phải đánh giá mức độ chệch hướng của từng mục tiêu và điều chỉnh linh hoạt theo thời gian. Ông nhấn mạnh: “Tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát cao đều gây tổn thương sâu sắc cho cộng đồng, gia đình và doanh nghiệp.”

Trước mắt, Fed chưa có hành động mạnh mà vẫn “án binh bất động” để chờ thêm dữ liệu rõ ràng. Nhiều lãnh đạo ngân hàng trung ương cho rằng cần theo dõi sát kỳ vọng của người dân về giá cả – một chỉ số quan trọng phản ánh niềm tin tiêu dùng, hiện đang có dấu hiệu xấu đi.

Bà Beth Hammack – Chủ tịch Fed chi nhánh Cleveland – nhận định: “Chúng ta đang đứng trước một rủi ro kép, cả từ lạm phát cao lẫn thị trường lao động yếu đi.” Theo bà, giữ nguyên chính sách tiền tệ ở thời điểm hiện tại là lựa chọn hợp lý nhất để cân bằng các rủi ro.

“Khi mọi thứ chưa rõ ràng, kiên nhẫn chờ đợi thêm dữ liệu sẽ giúp định hướng chính sách trong tương lai,” bà nói.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Giá vàng đang tăng rất mạnh

Sáng nay (18/4), giá vàng SJC được các doanh nghiệp kinh doanh vàng điều chỉnh tăng mạnh. Tuy nhiên, cùng loại vàng SJC là thương hiệu quốc gia nhưng giá bán ra lại khác nhau, thậm chí có doanh nghiệp niêm yết cao nhất lên tới 121 triệu đồng/lượng.

Cảnh báo hệ luỵ từ trục lợi bảo hiểm

Thông tin một người phụ nữ ở Quảng Nam bị điều tra vì liên quan đến cái chết của con trai và hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, đã thu hút sự chú ý của dư luận. Sự việc không chỉ khiến nhiều người giật mình mà còn đặt ra cảnh báo về vấn nạn trục lợi bảo hiểm ngày càng phức tạp hiện nay.