Sức khỏe

Chế độ ăn dễ áp dụng có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh sỏi mật

Ê kíp tán sỏi đường mật qua da đang thực hiện tán sỏi cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Ê kíp tán sỏi đường mật qua da đang thực hiện tán sỏi cho bệnh nhân - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân H.T.D. (66 tuổi, trú xã Hạ Long, huyện Vân Đồn, Quảng Ninh) vào Bệnh viện Bãi Cháy vì đau bụng hạ sườn phải kèm theo sốt, vàng da.

Sau khi tiến hành các thăm dò như siêu âm, xét nghiệm máu, chụp cộng hưởng từ, bệnh nhân được các bác sĩ chẩn đoán tắc mật, nhiễm trùng đường mật do sỏi mật tái phát.

Do bệnh nhân có tiền sử mổ lấy sỏi 4 lần bằng các phương pháp mổ mở và nội soi ở các bệnh viện nên lần này các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy chỉ định tán sỏi mật qua da, nhằm bảo tồn tối đa đường mật, cơ thắt Oddi cũng như giúp bệnh nhân phục hồi nhanh.

Sau gần 1 tiếng đồng hồ, bác sĩ Dương Xuân Hiệp, trưởng khoa ngoại tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy, cùng ê kíp đã thực hiện tán sỏi qua da thành công cho bệnh nhân. Sau 3 ngày tán sỏi, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định.

Theo bác sĩ Hiệp, tán sỏi mật qua da là phương pháp điều trị can thiệp tối thiểu có tính an toàn và hiệu quả cao, ít xâm lấn, thời gian hồi phục nhanh do vết mổ nhỏ (10mm). 

Trung bình bệnh nhân được ra viện trong vòng 7 ngày. Trong thời gian nằm viện, các bệnh nhân ít đau, nên có thể ăn uống, vận động sớm nên khâu chăm sóc khá đơn giản.

Sỏi đường mật trong và ngoài gan có thể tán qua da rất hiệu quả bằng rọ cơ học, laser, siêu âm hoặc điện thủy lực. Dưới hướng dẫn của máy chụp mạch số hóa xóa nền, các bác sĩ sẽ định hướng đường tiếp cận vào ống mật. 

Sau đó dùng các dụng cụ nong tạo đường hầm vào đường mật. Qua đường hầm, dưới quan sát trực tiếp của camera nội soi, tiếp cận sỏi mật và tiến hành tán, lấy sỏi mật trong và ngoài gan.

Bệnh diễn biến thầm lặng

Bác sĩ Nguyễn Văn Hóa - khoa cấp cứu tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 - cho biết sỏi mật là một bệnh lý diễn biến thầm lặng với các triệu chứng không điển hình, và thường được người bệnh phát hiện qua siêu âm ổ bụng. 

Các bệnh nhân có tiền sử sỏi mật cần được thăm khám định kỳ để theo dõi tiến triển của sỏi, đánh giá các biến chứng như viêm túi mật, tắc mật do sỏi, viêm tụy cấp để kịp thời phát hiện và đưa ra các phương pháp điều trị phù hợp.

"Điều đáng lo ngại nhất của bệnh sỏi mật là nó không có triệu chứng hoặc triệu chứng mơ hồ không rõ ràng nếu sỏi không làm tắc túi mật. Chỉ khi túi mật bị viêm mới có các biểu hiện như cơn đau đến đột ngột, thường xuất hiện ở bên phải, ngay dưới xương sườn, giữa hai bả vai hoặc ở vai phải; buồn nôn, nôn mửa; bồn chồn; đổ mồ hôi; mệt mỏi, sốt trên 38 độ kèm cảm giác rét run, rối loạn tiêu hóa.

Tình trạng viêm túi mật cần phải được điều trị ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm như viêm túi mật hoại tử, viêm phúc mạc mật, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng có thể dẫn đến tử vong" - bác sĩ Hóa khuyến cáo.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh sỏi mật, cần chú ý:

- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh: Thực đơn mỗi ngày nên bổ sung nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây và ngũ cốc), chất béo không bão hòa (dầu cá, dầu ô liu…); tránh bổ sung nhiều tinh bột, đường.

Tránh bổ sung các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa vì chúng có thể làm tăng nguy cơ hình thành sỏi mật. Bạn cần tránh các thực phẩm như bơ, pho mát cứng, bánh ngọt, bánh quy…

- Thường xuyên tập thể dục: Mỗi ngày bạn nên dành ra ít nhất 30 phút để luyện tập, 5 ngày/tuần. Biện pháp này sẽ giúp ngăn ngừa những bệnh lý có khả năng gây ra sỏi mật.

- Tuyệt đối không áp dụng những biện pháp nhịn ăn và giảm cân nhanh: Nếu có nhu cầu giảm cân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn chế độ ăn uống và luyện tập phù hợp, đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

- Thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ: Sỏi mật thường hình thành âm thầm, không xuất hiện triệu chứng rõ ràng. Vì thế, bạn nên thường xuyên thăm khám sức khỏe tổng quát (6 tháng/lần) để sớm phát hiện sỏi mật (nếu có), từ đó có biện pháp xử trí phù hợp, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm