Gừng đã được sử dụng trong y học cổ truyền ở nhiều nước trong hơn 3.000 năm qua để điều trị đau đầu, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng kinh, tiêu chảy, cảm lạnh và nhiều bệnh khác. Nguyên liệu này cũng có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm.
Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy gừng có thể giúp giảm cholesterol, huyết áp và điều chỉnh lượng đường trong máu để bảo vệ tim.
4 loại thuốc mà gừng có thể tương tác
Mặc dù là phương thuốc thảo dược, gừng có thể tương tác với một số loại thuốc, theo trang Eatingwell. Nếu bạn đang dùng thuốc hạ huyết áp hoặc thuốc hạ đường huyết, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng gừng.
Theo Havy Ngo-Hamilton - dược sĩ lâm sàng tại Trung tâm y tế Đại học Minnesota (Mỹ), các hợp chất chống oxy hóa có trong gừng mang lại vị cay cho gừng và cũng có thể có đặc tính chống đông máu.
Gừng và chất bổ sung chứa gừng có thể làm tăng nguy cơ chảy máu khi dùng cùng với các chất chống đông máu như warfarin (Coumadin), aspirin, clopidogrel (Plavix) và Rivaroxaban (Xarelto).
Ngoài ra, gừng cũng giúp giảm lượng đường trong máu lúc đói, cải thiện độ nhạy insulin và mức A1C ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Vì vậy, nếu bạn đang dùng thuốc hạ đường huyết, như metformin và insulin, việc thêm gừng có thể làm giảm lượng đường trong máu hơn nữa.
Ngo-Hamilton cho biết các hợp chất có trong gừng có thể cản trở các enzyme chịu trách nhiệm phân hủy carbohydrate, làm trầm trọng thêm tác dụng của thuốc trị tiểu đường. Khi tiêu thụ quá mức, gừng có thể góp phần gây hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp.
Nếu bạn bị rối loạn nhịp tim, hoặc nhịp tim bất thường, gừng cũng có thể tương tác với thuốc chống rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như amiodarone (Pacerone, Cordarone). Tế bào tim có các kênh canxi hỗ trợ khả năng co bóp của tim. Các hợp chất có trong gừng có thể ngăn canxi xâm nhập vào tế bào tim, làm giảm huyết áp.
Ngoài ra, gừng có thể tăng cường hiệu quả của thuốc huyết áp. Gừng có khả năng can thiệp vào angiotensin, một loại hormone điều chỉnh huyết áp và mức chất lỏng trong cơ thể. Về lâu dài, điều này có thể làm giãn mạch máu, dẫn đến huyết áp thấp.
Tác dụng của gừng đối với sự hấp thụ thuốc
Ngoài việc tương tác với các loại thuốc trên, gừng có thể làm tăng tác dụng của thuốc khi dùng cùng nhau. Nếu bạn ăn gừng hoặc uống thuốc bổ sung gừng cùng với thuốc và gặp tác dụng phụ như đổ mồ hôi, run rẩy, hồi hộp, lo lắng và chóng mặt, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế ngay lập tức.
Theo Michele Routhenstein - chuyên gia dinh dưỡng phòng ngừa tim mạch tại CompletelyNourished, ăn thực phẩm có chứa một lượng nhỏ gừng nói chung là an toàn và không gây ra tương tác thuốc đáng kể.
Trừ khi bạn có các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, ăn củ gừng tự nhiên tối đa 4 gam mỗi ngày được coi là an toàn. "Số lượng này tương đương với 2 thìa cà phê bột gừng hoặc 4 thìa cà phê gừng sống nghiền", cô nói.
Tuy nhiên, tiêu thụ một lượng lớn củ gừng có thể gây kích ứng hệ tiêu hóa, buồn nôn, chuột rút, đầy hơi, tiêu chảy, ợ nóng và kích ứng miệng hoặc cổ họng.
Megan Huff, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại Piedmont Healthcare, khuyến nghị tốt nhất là nên tiêu thụ gừng tự nhiên với mức độ vừa phải, chẳng hạn như ăn cùng sushi hoặc sử dụng bột gừng trong các công thức nấu ăn.
"Mỗi cá nhân có thể sử dụng gừng với liều lượng khác nhau, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và loại thuốc họ đang uống", cô nói.
Ai nên tránh bổ sung gừng?
Nếu bạn bị dị ứng với gừng, có dạ dày nhạy cảm hoặc có tiền sử các vấn đề về tiêu hóa, hãy tránh bổ sung gừng. Vì gừng có đặc tính chống đông máu, hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn có vấn đề về chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu.
Ngoài ra, gừng có thể tương tác với thuốc gây mê và các thuốc dùng trước, trong và sau phẫu thuật, nên bác sĩ có thể khuyên mọi người ngừng dùng chất bổ sung gừng từ hai đến ba tuần trước khi phẫu thuật.
Trừ khi được bác sĩ khuyên dùng và uống dưới sự giám sát, các chất bổ sung gừng không được khuyến khích cho trẻ em do nghiên cứu về tính an toàn và hiệu quả của chúng ở người trẻ còn hạn chế.