Sức khỏe

Lợi ích của sự... lo âu

Tác động của sự lo âu rất sâu rộng, có thể làm gián đoạn giấc ngủ, phá vỡ các mục tiêu cuộc sống và cản trở các mối quan hệ - Ảnh: Healthtips by TeleMe

Tác động của sự lo âu rất sâu rộng, có thể làm gián đoạn giấc ngủ, phá vỡ các mục tiêu cuộc sống và cản trở các mối quan hệ - Ảnh: Healthtips by TeleMe

Kỹ năng đối phó với sự lo âu của Weaver phát triển theo thời gian. Đôi lúc cô tìm cách nói dối để gây ấn tượng với bạn bè cấp hai, nhưng cũng có lúc cô đi bộ một quãng đường dài để tìm hiểu về sự lo âu của mình.

Tám năm trước, Weaver bắt đầu vẽ nguệch ngoạc mỗi ngày để xoa dịu những suy nghĩ lo lắng và hướng cảm xúc vào điều gì đó hữu ích.

Lo âu có tác động sâu rộng

Hiện nay, cô chia sẻ những bức vẽ hằng ngày của mình trên tài khoản Instagram @haleydrewthis. Vẽ tranh như một cách để cô thực hành sáng tạo, bên cạnh công việc mệt mỏi trong ngày, đồng thời kết nối với những người cũng đang trải qua cảm giác này.

Tất cả tác phẩm này được Weaver in trong cuốn tiểu thuyết đồ họa mới của mình, "Give Me Space but Don't Go Far". Cuốn sách ra mắt vào thời điểm mà sự lo lắng đang gia tăng, trong khi nhiều người không biết cách đối phó.

Tác động của sự lo âu rất sâu rộng, có thể làm gián đoạn giấc ngủ, phá vỡ các mục tiêu cuộc sống và cản trở các mối quan hệ. Những trải nghiệm này gây ra sự cô lập và lo lắng nặng hơn. Cha mẹ của những bạn trẻ mắc chứng lo âu có thể quan ngại về cách con họ đối phó với lo âu. Tuy nhiên, việc hỏi trực tiếp không mang lại nhiều thông tin.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Weaver cho biết cô hy vọng cuốn sách sẽ điều chỉnh lại quan điểm chung của chúng ta về sự lo lắng, và đóng vai trò như một công cụ để bắt đầu những cuộc trò chuyện khó khăn trong gia đình.

Sự lo âu giúp con người giữ an toàn

Theo Weaver, về cơ bản, cảm giác lo lắng nhằm giữ chúng ta an toàn khỏi nhiều tình huống như thảm họa, sự phán xét, hoặc bị từ chối - rất nhiều trải nghiệm không mấy tốt lành. Tuy nhiên, sự lo lắng không phải lúc nào cũng bắt nguồn từ một lý do hợp lý. Vì vậy, việc tìm cách lắng nghe những nỗi lo và không để chúng chi phối mọi hành động là điều không dễ.

Weaver nói điều quan trọng là cần chấp nhận thực tế về sự hiện diện của nỗi lo, đồng thời xây dựng một "cộng đồng" những cơ chế đối phó để quản lý những suy nghĩ này.

"Thay vì xem sự lo lắng là trở ngại cho hạnh phúc của con trẻ, cha mẹ nên giúp con hiểu rằng nỗi lo là một phần trong con người chúng, và cần được chăm sóc nhiều như bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể", Weaver khuyên.

Ngoài ra, việc chăm sóc lo lắng có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ biểu hiện của nỗi lo. Điều này có thể giúp trẻ tìm ra các cơ chế đối phó hữu ích khác nhau, đồng thời dựa vào chuyên môn của bác sĩ. Không có giải pháp duy nhất cho sự lo lắng, mà có vô số kỹ năng đối phó và hệ thống hỗ trợ.

"Sự lo lắng vốn gắn liền với tính tiêu cực. Trên thực tế, cảm giác lo lắng muốn chúng ta tiếp tục cuộc sống một cách thận trọng. Chỉ khi những suy nghĩ lo lắng cản trở cuộc sống hằng ngày của một người, thì mới cần xem xét kỹ hơn lý do vì sao nỗi lo lại tăng cao, và nên tìm kiếm lời khuyên từ chuyên gia sức khỏe tâm thần", Weaver cho biết.

Để hỗ trợ tốt hơn cho người thân đang đối mặt với chứng lo âu, Weaver khuyên hãy bắt đầu bằng việc hỏi người thân đang cần gì - một người lắng nghe, một sự xác nhận, một bờ vai để dựa vào, hay lời khuyên.

"Điều này sẽ giúp họ cảm thấy có một không gian an toàn, đồng thời giúp bạn hỗ trợ họ", cô nói. Nếu sự lo lắng cản trở việc tận hưởng cuộc sống, có thể giúp họ đặt lịch hẹn với chuyên gia.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm