Ngại giao tiếp vì mùi mồ hôi ở nách
Vùng da dưới cánh tay có mùi đôi lúc khiến chị M.T. (33 tuổi, TP.HCM) cảm thấy mặc cảm và ngại ngùng khi giao tiếp với mọi người.
Để hạn chế mùi cơ thể, chị T. thường xuyên sử dụng nước hoa, lăn khử mùi để át đi mùi mồ hôi trên cơ thể mình.
Tuy nhiên, những biện pháp này chỉ là tạm thời, khi dùng nhiều những sản phẩm lăn khử mùi khiến vùng da dưới nách thâm đen, quần áo ố vàng.
“Tôi đã dùng đủ mọi cách, thậm chí dùng theo các cách dân gian như sử dụng chanh, phèn chua, gừng... hay tắm một số loại lá cây nhưng cơ thể vẫn không hết mùi. Nhất là vào những lúc hoạt động thể lực nhiều, mồ hôi càng ra nhiều cơ thể càng nặng mùi”, chị T. nói.
Tương tự, anh H.K. (TP Thủ Đức) cho biết cơ thể vốn đã đổ nhiều mồ hôi từ nhỏ, đến tuổi dậy thì nặng hơn, mùi khó chịu, nhất là vùng dưới cánh tay.
Mặc dù đã vệ sinh cơ thể kỹ lưỡng, thử nhiều sản phẩm khử mùi nhưng không đáng kể.
Anh K. cho biết từng bị bạn bè góp ý nên dẫn đến tâm lý tự ti. Nhiều bạn bè thường khuyên anh nội soi cắt hạch giao cảm để giảm tiết mồ hôi nách nhưng anh rất ngại “đụng dao kéo”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Ths.BS Phan Ngọc Huy - khoa thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu (TP.HCM) - cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mồ hôi cơ thể nặng mùi.
Nguyên nhân đầu tiên có thể là do di truyền, yếu tố di truyền đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định cơ thể sản sinh bao nhiêu mồ hôi và thành phần mồ hôi.
Những người có tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hoặc mồ hôi chứa nhiều axit béo bão hòa dễ có mùi cơ thể nặng hơn.
Ngoài ra, chế độ ăn uống, ăn những thực phẩm nhiều gia vị, tỏi, hành, thịt đỏ... có thể khiến mồ hôi có mùi khó chịu.
Người sử dụng chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, caffeine... là nguyên nhân khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi hơn, đồng thời làm tăng lượng axit béo trong mồ hôi, dẫn đến mùi hôi.
Ngoài ra, vệ sinh cá nhân kém, không tắm rửa thường xuyên, không thay quần áo sau khi vận động... là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, gây ra mùi hôi cơ thể.
Bên cạnh đó, một số bệnh lý như tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận... cũng có thể khiến cơ thể có mùi hôi đặc trưng.
Mồ hôi cơ thể nặng mùi, cần làm gì?
Để giảm bớt mùi cơ thể, bác sĩ Huy khuyến cáo cần giữ làn da sạch sẽ bằng cách tắm hằng ngày bằng xà phòng kháng khuẩn. Tập trung vào những vùng đổ mồ hôi nhiều nhất, như nách và vùng háng.
Cạo lông, triệt lông vùng da dưới cánh tay để mồ hôi bay hơi nhanh và không có nhiều thời gian tiếp xúc với vi khuẩn gây nên mùi cơ thể.
Chú ý thường xuyên giặt quần áo, mặc quần áo sạch sẽ. Mặc quần áo rộng rãi làm bằng vải cotton. Loại bỏ những thực phẩm có khả năng gây nặng mùi khỏi chế độ ăn uống: tỏi, hành và rượu…
Đồng thời, giảm mức độ căng thẳng vì căng thẳng có thể khiến tuyến mồ hôi dầu kích hoạt và gây nên mùi cơ thể.
Trường hợp mùi cơ thể quá nặng, điều trị không hết có thể đến cơ sở y tế để được điều trị bằng các biện pháp như: tiêm vi điểm botulinum toxin vào vùng da dưới cánh tay có thể ức chế cả tuyến mồ hôi nước và mồ hôi dầu, can thiệp phẫu thuật như phẫu thuật nạo tuyến mồ hôi, cắt hạch giao cảm…