Bác sĩ Nguyễn Như Điền, Quản lý Y khoa Miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC cho biết liệt mặt là tình trạng một bên cơ mặt trở nên yếu hoặc chảy xệ. Lý do, dây thần kinh điều khiển cho cơ mặt bị tổn thương hoặc mất chức năng. Những bệnh sau đây dễ gây biến chứng liệt mặt:
Zona thần kinh
Zona thần kinh do virus Varicella Zoster gây ra, tác nhân này đồng thời gây bệnh thủy đậu. Bệnh xảy ra do virus tái hoạt động trong hạch thần kinh. Người mắc bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, tim mạch, hen phế quản... có hệ miễn dịch suy giảm dễ mắc và tái phát zona thần kinh.
Zona thần kinh có thể gây ra hội chứng Ramsay Hunt, khiến người mắc bị liệt mặt, mất thính lực. Lý do, những nốt phát ban, mụn nước trong tai, vòm họng dễ lan truyền đến não, tấn công và làm tê liệt dây thần kinh vùng mặt.
Bệnh nhân còn dễ chóng mặt, mất thăng bằng, đau tai dữ dội, tê hoặc ngứa vùng mặt. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể mất thính lực vĩnh viễn. Bên cạnh liệt mặt, zona thần kinh còn gây biến chứng đau thần kinh kéo dài, viêm phổi, viêm màng não, tăng nguy cơ đột quỵ...
Bệnh có thể được phòng ngừa nhờ vaccine, hiệu quả ngăn bệnh đến 97% ở người từ 50 tuổi, 87% ở người từ 18 tuổi bị suy giảm miễn dịch do bệnh lý. Vaccine cũng đồng thời giảm biến chứng đau thần kinh sau zona và các biến chứng khác hơn 90%. Vaccine chỉ định cho người từ 50 tuổi trở lên hoặc người từ 18 tuổi có nguy cơ cao mắc zona thần kinh. Lịch tiêm hai mũi cách nhau từ 1-2 tháng.

Người mắc virus có thể biến chứng liệt mặt nếu không điều trị kịp thời. Ảnh minh họa: Vecteezy
Quai bị
Quai bị do virus Paramyxo gây ra, lây lan nếu người lành tiếp xúc với nước bọt hoặc chất nhầy của người đã nhiễm. Triệu chứng điển hình của bệnh là sưng đau tuyến nước bọt ở một hoặc hai bên mặt, mệt mỏi, sốt cao. Quai bị hiếm khi gây tử vong, song có thể diễn tiến nặng và biến chứng.
Trong đó, liệt mặt do quai bị hiếm gặp. Virus kích hoạt phản ứng miễn dịch, gây viêm và phù nề dây thần kinh số 7, dẫn đến liệt mặt. Ngoài ra, virus có thể lan đến hệ thần kinh trung ương hoặc ngoại biên và gây viêm dây thần kinh mặt.
Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ giảm bớt triệu chứng và phòng ngừa biến chứng. Bệnh có thể phòng ngừa hiệu quả bằng vaccine.
Việt Nam hiện có hai loại vaccine phối hợp ngừa quai bị, sởi và rubella cho trẻ em và người lớn như Priorix (Bỉ) và MMR II (Mỹ). Trong đó, MMR II tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi còn Priorix có thể tiêm cho trẻ từ 9 tháng tuổi. Với phụ nữ đang có ý định mang thai nên hoàn tất lịch tiêm trước khi có thai tốt nhất 3 tháng.
Bệnh Herpes
Bệnh Herpes gồm những nốt phồng rộp nhỏ tạo thành mảng trên môi và xung quanh miệng. Bệnh do virus Herpes simplex, gồm HSV-1 (thường gây mụn rộp môi) và HSV-2 (gây mụn rộp sinh dục). Không chỉ gây tổn thương da, bệnh còn có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh.
Lý do, sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus có thể ẩn náu trong các hạch thần kinh và tồn tại lâu dài ở trạng thái ngủ yên. Khi hệ miễn dịch suy yếu, virus có thể tái hoạt động, di chuyển theo dây thần kinh và gây viêm. Nếu virus tấn công vào dây thần kinh mặt, có thể gây viêm và sưng, dẫn đến liệt mặt. Dây thần kinh này đi qua một ống xương hẹp, nên khi bị viêm sẽ dễ bị chèn ép, làm gián đoạn tín hiệu điều khiển cơ mặt.
HSV-1 là nguyên nhân phổ biến gây liệt mặt do vị trí hoạt động gần vùng mặt, hiếm gặp hơn là HSV-2 nếu lan đến hệ thần kinh trung ương.
Hiện các virus HSV-1 và HSV-2 chưa có vaccine phòng ngừa. Do đó, mọi người cần chú ý tình dục an toàn, tránh quan hệ khi có triệu chứng mụn rộp. Người dân không sử dụng chung đồ dùng vệ sinh cá nhân như khăn mặt, dao cạo, son môi. Người có nguy cơ phơi nhiễm cao nên xét nghiệm định kỳ, tăng cường đề kháng.

Người dân tiêm cúm tại Trung tâm tiêm chủng VNVC. Ảnh: Mộc Miên
Cúm
Cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus cúm Influenza gây ra. Bệnh lây nhiễm trực tiếp thông qua dịch tiết đường hô hấp khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Người mắc cúm có các biểu hiện như: sốt cao, đau đầu, ho, đau họng, đau nhức xương khớp.
Khi mắc cúm, virus làm viêm các mô trong mũi và có thể lan sang tai giữa, gây viêm tai. Nếu không điều trị kịp thời, viêm tai giữa có thể lan ra vùng xương chũm sau tai, gây ra các biến chứng nghiêm trọng như: mất thính lực, nhiễm trùng lan vào các cấu trúc bên trong tai như ống bán khuyên (giúp giữ thăng bằng), tổn thương dây thần kinh số 7 dẫn đến liệt mặt, hoặc lây lan vào não hoặc màng não gây viêm.
Hiện Việt Nam có bốn loại vaccine cúm của Hà Lan, Pháp, Hàn Quốc và Việt Nam, giúp phòng 4 chủng virus phổ biến gồm cúm A/H1N1, A/H3N2, B/Yamagata, B/Victoria. Vaccine dành cho trẻ từ 6 tháng tuổi và người lớn. Hiệu quả phòng bệnh và nhập viện đến 90%, ngăn biến chứng.
Vaccine cần nhắc lại hàng năm. Phụ nữ nên tiêm phòng cúm trước và trong thai kỳ, tốt nhất từ 3 tháng giữa trở đi để bảo vệ sức khỏe, truyền kháng thể thụ động cho con.
Ngoài vaccine, bác sĩ Điền khuyến cáo mọi người nên chú ý những thay đổi trong cơ thể khi mắc bệnh, nhập viện điều trị ngay khi có triệu chứng trở nặng. Người bệnh không nên chủ quan, tự chữa tại nhà theo các phương pháp dân gian, thuốc tự kê đơn... dễ dẫn đến bội nhiễm các bệnh khác.