Ngày 27/3, Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC) kiện Binance với lý do thao túng thị trường, thiếu tuân thủ luật pháp, tiếp tay cho hành vi rửa tiền. Trong đơn khiếu nại dài 74 trang, CFTC dán nhãn Bitcoin, Ethererum, Binance USD, Tether là hàng hóa cùng Litecoin và đưa ra một số tuyên bố gây bất ngờ khác.
Đặc quyền VIP
Năm 2019, Binance bị cấm cung cấp dịch vụ cho người dùng Mỹ. Do đó, sàn giao dịch Binance US đã được mở ra với tuyên bố hoạt động hoàn toàn độc lập với Binance. Sàn mới này tuân thủ theo nhiều quy tắc khắt khe của pháp luật và có ít cặp giao dịch hơn. Họ cũng cam kết công nghệ KYC (xác thực danh tính) sẽ đảm bảo khách hàng Mỹ luôn hoạt động dưới sự giám sát của luật pháp.
Tuy nhiên trong đơn gửi tòa án, CFTC tố Binance đã cung cấp chương trình VIP cho một nhóm khách hàng ở Mỹ với giá riêng, kèm nhiều ưu đãi đặc quyền giúp họ tránh rủi ro pháp lý. Binance hướng dẫn nhóm dùng mạng ảo VPN để truy cập nền tảng và "thông báo ngay" khi có bất kỳ cuộc điều tra nào của cơ quan thực thi pháp luật nhắm đến các tài khoản cá nhân.
Ngày 28/3, tỷ phú Changpeng Zhao (CZ), CEO Binance, khẳng định họ đã chặn người dùng Mỹ theo KYC và IP. "Không công ty nào khác dùng hệ thống toàn diện hơn Binance", ông tuyên bố.
Trước đó, ngày 24/3, CNBC đưa tin nhân viên của Binance cũng hỗ trợ khách hàng ở Trung Quốc dùng VPN và ứng dụng đặc biệt để vượt qua khâu KYC trên nền tảng. Một số người tự nhận là nhân viên Binance thậm chí chia sẻ cách giả mạo giấy tờ ngân hàng, nơi cư trú và một số thao tác để có thể lập tài khoản và giao dịch trên hệ thống.
Bitcoin, Ethereum là hàng hóa
Tuyên bố của CFTC rằng Bitcoin, Ethereum, BUSD, Litecoin cần được xếp coi là một loại hàng hóa khiến cộng đồng tiền mã hóa bất ngờ. Điều này trái ngược với nỗ lực của Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC) thời gian qua khi tìm cách chứng minh hầu hết token (trừ Bitcoin) là "chứng khoán chưa đăng ký".
Theo CFTC, những token này đều là hàng hóa nên việc Binance không đăng ký hoạt động theo luật là phạm pháp. Trong khi đó, SEC lấy lý do BUSD là chứng khoán để cấm Paxos ngừng phát hành stablecoin này.
Sheila Warren, Giám đốc điều hành của Hội đồng đổi mới tiền điện tử (Mỹ), cho rằng tuyên bố của CFTC sẽ là "cú đấm mạnh vào nỗ lực của SEC". Đây có thể là khởi đầu của một cuộc tranh luận mới xem cơ quan nào mới có thẩm quyền tối cao với tiền điện tử. Trong khi đó, Paul Grewal, Giám đốc pháp lý Coinbase, chỉ trích việc thiếu đồng nhất giữa hai cơ quan quản lý.
Các nhà phân tích cho rằng mâu thuẫn giữa hai cơ quan trong việc xác định tiền điện tử là hàng hóa hay chứng khoán có thể là cơ hội của Binance. Sàn giao dịch có thể phản biện đơn kiện của CFTC rằng họ lập luận chưa rõ ràng và chắc chắn về các loại tài sản.
Smartphone của CZ bị truy cập
Tỷ phú CZ được nhắc đến nhiều lần trong đơn kiện của CFTC. Một chi tiết thú vị là cơ quan này nói đã thu thập được bằng chứng trong các chuỗi tin nhắn từ ứng dụng Signal trong điện thoại của CZ. "Zhao đã dùng tính năng tự động xóa của Signal để liên lạc với nhiều nhân viên, quản lý của Binance cho nhiều mục đích khác nhau", CFTC nêu.
Sau khi đơn kiện được lan truyền trên mạng xã hội, một số nhân vật nổi tiếng trong cộng đồng tiền mã hóa đặt câu hỏi rằng bằng cách nào cơ quan này có thể truy cập smartphone của CEO Binance và bày tỏ lo lắng cho quyền riêng tư của mình.
Hoạt động khủng bố
Một cáo buộc gây bất ngờ khác với cộng đồng tiền mã hóa là CFTC nói nhân viên Binance đã "tiếp tay cho hoạt động khủng bố". Theo cơ quan này, nhiều nhân viên, quản lý và đại lý của sàn giao dịch đã thừa nhận họ tạo điều kiện cho những hoạt động có dấu hiệu phạm pháp.
CFTC cũng nhắc đến sự kiện tháng 2/2019 khi cựu giám đốc pháp lý Samuel Lim nhận được thông tin liên quan đến giao dịch của một phong trào kháng chiến Hồi giáo. Theo hồ sơ, Lim giải thích với một đồng nghiệp rằng những kẻ khủng bố thường gửi "số tiền nhỏ" từng đợt vì nếu gửi quá nhiều sẽ cấu thành tội rửa tiền.
"Vị vua" đứng trên tất cả
Zhao bị cáo buộc sở hữu và kiểm soát hàng chục đơn vị khác nhau liên quan đến Binance. Một mình tỷ phú vận hành cả nền tảng, kể cả đích thân phê duyệt các chi phí văn phòng nhỏ, thanh toán cho dịch vụ của công ty như Amazon Web Services bằng thẻ tín dụng cá nhân.
Phớt lờ luật pháp Mỹ
CFTC cũng cho rằng Binance hiểu rõ yêu cầu của cơ quan quản lý Mỹ nhưng đã phớt lờ và đưa ra các chiến lược có chủ ý để né tránh luật liên bang. Lập luận này được chứng minh qua các tin nhắn nội bộ giữa ban giám đốc điều hành của Binance, được CFTC thu thập từ năm 2018. Những người này đưa ra các bước hành động cụ thể của mình với Binance US và cách tránh lệnh trừng phạt do cơ quan quản lý áp đặt với sàn trên quy mô toàn cầu.
Đáp lại, CEO Binance tuyên bố công ty luôn minh bạch và hợp tác. Sàn có hơn 750 nhân sự trong nhóm Tuân thủ luật pháp. "Đến nay, chúng tôi đã xử lý hơn 55.000 yêu cầu của các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, đóng băng/thu giữ hơn 125 triệu USD tiền gửi trong 2022 và 160 triệu USD từ đầu năm đến nay", CZ nói.
Warren từ Hội đồng Đổi mới Tiền điện tử cho rằng CFTC đã đánh đòn trực diện vào Binance, khiến cả CZ cũng bất ngờ.
Hiện chưa rõ số phận của Binance. Trước mắt sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất thế giới chứng kiến hàng trăm triệu USD bị rút khi người dùng tìm cách chuyển các token về ví lạnh để đảm bảo an toàn. Tổng số dư Bitcoin trên sàn giảm 3,4 nghìn BTC trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, các dự báo cho thấy đơn kiện lần này của CFTC có thể khiến token BNB, hiện có giá hơn 310 USD, sẽ giảm xuống dưới 200 USD.
(theo Cointelegraph)