Bữa sáng là bữa ăn đầu tiên trong ngày và là nền tảng để cung cấp dinh dưỡng có lợi nhất cho sức khoẻ.
Với người tiểu đường, bữa sáng cũng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Nhiều người cho rằng nếu bỏ ăn sáng sẽ không khiến đường huyết tăng vọt , tuy nhiên đây là nguyên nhân gây nên các biến chứng nguy hiểm.
Mới đây, bác sĩ nội tiết Li Aiguo (Bác sĩ trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật) đã chỉ rõ 4 sai lầm tai hại trong bữa sáng khiến đường huyết dễ tăng vọt mất kiểm soát, có thể đe dọa sức khỏe của người tiểu đường.
Bác sĩ nội tiết Li Aiguo (Bác sĩ trưởng Khoa Nội tiết, Bệnh viện Hữu nghị Trung - Nhật).
4 sai lầm tai hại trong bữa sáng khiến đường huyết tăng vọt
1. Ăn sáng quá muộn hoặc bỏ bữa sáng
Bác sĩ Li cho biết, nhiều bệnh nhân tiểu đường thường ăn sáng quá muộn, nhất là sau 9-10 giờ sáng. Nhiều người vì dậy muộn nên đã vội vã đi làm, chỉ ăn tạm một cái gì đó có sẵn trong nhà. Bên cạnh đó, cũng có không ít bệnh nhân tiểu đường sợ lượng đường trong máu của họ sẽ tăng lên vì thế họ quyết định không ăn gì cả.
Đây là những suy nghĩ sai lầm. Bởi thói quen ăn sáng giúp cung cấp năng lượng cho hoạt động thể chất vào buổi sáng. Đồng thời, giúp kiểm soát cơn đói, tránh việc ăn quá nhiều, tiêu thụ các thực phẩm tai hại trong ngày. Điều đó giúp cho lượng đường trong máu ổn định suốt buổi sáng và thậm chí cả ngày. Bỏ ăn sáng rồi lại ăn quá nhiều vào bữa trưa khiến đường huyết lên xuống thất thường, làm tổn thương tuyến tụy và dễ gây nên biến chứng.
Ăn sáng quá muộn, thậm chí bỏ bữa sáng dễ gây hạ đường huyết và gây rối loạn nhịp sinh học, phá vỡ quá trình chuyển hóa của cơ thể. Tốt nhất người tiểu đường nên ăn sáng vào 7-8h, muộn nhất là 8 giờ 30 phút.
2. Thích ăn thực phẩm giàu chất béo, có chỉ số đường huyết cao trong bữa sáng
Những thực phẩm như bánh rán, gà rán là bữa sáng khoái khẩu của những người thích ngọt. Tuy nhiên loại thực phẩm này có chỉ số đường huyết cao, nhiều calo, nhiều dầu mỡ không phù hợp với bệnh nhân tiểu đường.
Ngoài ra, có nhiều người thích ăn bánh mì, bánh ngọt bán sẵn. Những loại thực phẩm này dù được công bố là không chứa đường nhưng lại có thành phần chủ yếu là tinh bột, cùng các loại chất béo và phụ gia khác, có thể làm tăng lượng đường trong máu một cách nhanh chóng.
Lời khuyên cho người tiểu đường đó là luôn đọc danh sách thành phần và chất dinh dưỡng ghi trên bao bì. Nếu có các thành phần như "kem thực vật", "bơ thực vật" và "dầu thực vật hydro hóa", điều đó có nghĩa là nó có thể chứa axit béo chuyển hóa, người tiểu đường không nên sử dụng.
3. Thích ăn những món mềm, nát, dễ tiêu hóa
Theo bác sĩ Li Aiguo, người tiểu đường nếu muốn ổn định đường huyết trong cơ thể thì không nên ăn nhiều những món mềm, nát, dễ tiêu hóa như cháo. Cháo rất mềm và loãng nên sẽ dẫn đến việc cơ thể hấp thụ carbohydrate dưới dạng tinh bột quá nhiều, quá nhanh. Như vậy ảnh hưởng đến sự ổn định của đường huyết, gây ra bệnh tiểu đường và nguy cơ biến chứng.
Không chỉ có cháo trắng mới làm tăng đường huyết, gạo nếp cũng có chỉ số đường huyết rất cao. Khi bạn tiêu thụ gạo nếp, những chất bột đường này sẽ chuyển hóa thành calo và đường, rồi nhanh chóng đi vào mạch máu. Điều đó khiến lượng đường trong máu tăng nhanh.
4. Ăn uống quá đơn giản và không cân đối dinh dưỡng
Một bữa sáng quá đơn giản sẽ gây tụt đường huyết, khiến người tiểu đường không có năng lượng để hoạt động.
Nhiều người chỉ đơn thuần ăn sáng bằng cơm và dưa muối, cà muối. Điều đó tưởng chừng an toàn nhưng lại rất nguy hiểm với bệnh tiểu đường. Ăn quá nhiều muối trong thời gian dài không có lợi cho quá trình trao đổi chất của cơ thể, có thể ảnh hưởng đến mức huyết áp. Đồng thời, điều đó sẽ làm tổn thương mạch máu và thần kinh của người mắc bệnh tiểu đường. Dẫn đến các biến chứng như tim, mắt, và thận.
Bữa sáng lành mạnh nên ít béo, ít muối, giàu đạm chất lượng cao và nhiều chất xơ. Ngũ cốc, rau, cá, trứng và sữa được kết hợp một cách khoa học để cân bằng dinh dưỡng. Những món này không chỉ giàu chất dinh dưỡng và năng lượng mà còn có chỉ số đường huyết thấp, giúp giảm lượng đường trong máu sau ăn.