Sau “bão tin đồn” liên tiếp xuất hiện trong gần 2 tuần vừa qua, những thông tin đính chính liên quan đến các cổ phiếu HSG, GEX… cùng với sự trấn an của các cấp quản lý, tâm lý nhà đầu tư đã thể hiện sự ổn định trở lại trong phiên 13/4.
VN-Index tăng hơn 4 điểm ngay đầu phiên, tâm lý lo ngại vẫn xuất hiện sau đó kéo chỉ số giảm nhẹ về 1.448 và tạo điểm thấp nhất trong ngày. Xu hướng hồi phục mạnh hơn trong phiên chiều, lực cầu đã lan tỏa trên nhiều dòng, trong đó các cổ phiếu bất động sản và các mã chịu áp lực giảm do tin đồn hồi phục mạnh.
Đóng cửa tại mức cao nhất trong ngày, VN-Index tăng 21,95 điểm, tương ứng tăng 1,51% và dừng chân tại 1.477,2. Giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt 22.027 tỷ đồng, thanh khoản toàn thị trường tính là 26.019 tỷ đồng, tăng 3,3% so với phiên liền trước. Dòng tiền tăng vào nhóm bất động sản, hóa chất, bán lẻ, trong khi giảm vào nhóm tài nguyên cơ bản, dầu khí, chứng khoán.
Lực cầu lan tỏa giúp các cổ phiếu bluechips tăng mạnh, GVR và FPT là 2 cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index với số điểm lần lượt 1,53 và 1,23 điểm. Số mã tăng trên HOSE là 331 cổ phiếu, áp đảo so với 126 mã giảm, trong khi VN30 có 27/30 mã tăng.
Tổ chức nội đảo chiều bán ròng gần 270 tỷ đồng, tâm điểm nhóm hóa chất
Trong phiên vừa qua, tổ chức trong nước (bao gồm tự doanh) chuyển hướng bán ròng 269 tỷ đồng. Tuy nhiên, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ mua ròng ròng 859 tỷ đồng.
Thống kê cho thấy, tổ chức nội bán ròng 6/18 ngành với giá trị lớn nhất đặt tại nhóm hóa chất. Top10 mã bị bán ròng mạnh nhất có DGC, CTD, DIG, APH, GVR, FUEVFVND, E1VFVN30, DPR, SSI, HDC.
Trong khi đó, dòng tiền của NĐT tổ chức trong nước chủ yếu tìm đến cổ phiếu của các doanh nghiệp địa ốc. Danh mục Top10 mua ròng của khối này gồm NVL, MWG, HPG, TCB, VHM, VIC, MSN, ACB, VNM, VCB.
Thống kê của FiinTrade cho thấy, dòng tiền vào nhóm bất động sản tăng, tỷ trọng giá trị giao dịch tăng lên 24,3%, mức cao nhất trong vòng 10 phiên liên tiếp. Chỉ số giá tăng 1,6% cho thấy cầu vào nhóm này tăng mạnh.
Nhóm cổ phiếu có giá trị giao dịch cao nhất là DIG, DXG, NVL, IDC, VHM, PDR, CEO, VIC, FLC, KBC, NLG, trong đó tất cả đều tăng điểm trừ FLC. Điểm đáng chú ý là nhóm này hồi phục nhanh và nhiều cổ phiếu tăng trần như DXG, SCR, QCG, LHG, TDH, ITA, LDG, IDJ, API.
Cá nhân trong nước nâng quy mô bán ròng bất chấp nỗ lực hồi phục của thị trường
Trong phiên VN-Index hồi phục mạnh mẽ nhờ lực cầu lan tỏa, NĐT vẫn duy trì vị thế bán ròng, thậm chí còn tăng quy mô rút vốn lên 1.223 tỷ đồng, trong đó họ bán ròng khớp lệnh là 856 tỷ đồng.
Tính riêng giao dịch khớp lệnh, họ mua ròng 5/18 ngành, chủ yếu là ngành hóa chất. Top mua ròng của NĐT cá nhân tập trung tại các cổ phiếu: DGC, VHC, VHM, VCI, CTD, SSI, LHG, DGW, APH, HCM.
Bên phía bán ròng khớp lệnh, cá nhân trong nước bán ròng 13/18 ngành với áp lực bán tập trung tại nhóm bất động sản, ngân hàng. Top bán ròng có NVL, VIC, MWG, GEX, TCB, MSN, ACB, HPG, TPB.
Khối ngoại mua ròng đột biến MWG qua kênh thỏa thuận
Về phía NĐT nước ngoài, họ mua ròng đột biến hơn 1.493 tỷ đồng, tính riêng giao dịch khớp lệnh thì họ bán ròng 3 tỷ đồng. Giao dịch làm thay đổi vị thế của khối này là hoạt động mua thỏa thuận hơn 1.417 tỷ đồng cổ phiếu MWG của Thế Giới Di Động.
Mua ròng khớp lệnh chính của nước ngoài là nhóm hàng & dịch vụ công nghiệp, bất động sản. Top mua ròng khớp lệnh của NĐT ngoại gồm các mã: GEX, VIC, GMD, NVL, KBC, DXG, BVH, BAF, GAS, CTR.
Phía bên bán ròng khớp lệnh, khối ngoại rút ròng mạnh nhất khỏi ngành hóa chất. Top bán ròng khớp lệnh của khối này gồm các mã: VHM, DGC, HPG, VHC, VNM, KDH, PNJ, VCI, LHG.