Mới đây, dư luận xôn xao thông tin "CSGT TP HCM yêu cầu chủ quán nhậu phải báo tin cho công an nếu khách lái xe rời quán khi đã uống rượu, bia".
Nhiều ý kiến cho rằng đây là sự bắt buộc không thể thực hiện được. Lý do, sẽ không có chủ quán nào chủ động tố cáo "thượng đế" đã uống rượu, bia ở quán mình để lực lượng chức năng xử phạt, trừ khi chủ quán muốn… "dẹp tiệm".
Vậy thực hư thông tin này ra sao?
Trước đó, trong đợt cao điểm về kiểm tra, xử lý vi phạm an toàn giao thông (từ ngày 20-6 đến ngày 20-9), lực lượng CSGT TP HCM phối hợp công an các địa phương thực hiện biện pháp "gõ cửa" từng nhà hàng, quán karaoke, điểm kinh doanh có bán rượu, bia để tuyên truyền, vận động chủ cơ sở ký cam kết chấp hành nghiêm Luật phòng chống tác hại của rượu, bia.
Ghi nhận từ các buổi tuyên truyền của Đội CSGT Hàng Xanh, Nam Sài Gòn thuộc Phòng CSGT Đường bộ - Đường sắt Công an TP HCM (PC08), Đội CSGT – Trật tự Công an quận 10 nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao từ chủ các nhà hàng, quán karaoke, điểm kinh doanh khi lực lượng chức năng đến "gõ cửa".
CSGT TP HCM tuyên truyền "Đã uống rượu bia thì không lái xe" tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Văn Linh (quận 7, TP HCM).
Đồng ý ký cam kết với Đội CSGT – Trật tự Công an quận 10, chị Lê Thị Thu Hằng, chủ quán Karaoke P.C (quận 10) chia sẻ thực tế tại quán chị gặp không ít trường hợp khách say xỉn nằng nặc đòi tự lái xe. Trong đó, có trường hợp quán không thể cản được "thượng đế" của mình.
"Nếu CSGT lập chốt trước quán thì nhà hàng, quán karaoke, quán nhậu… không làm ăn được vì khách không dám vào nhưng nếu không thấy CSGT thì khách nằng nặc đòi tự lái xe. Có trường hợp say bí tỉ, không có người đưa về cũng không chịu gửi xe ở quán để đặt taxi. Lúc này, nếu CSGT kịp thời có mặt để can thiệp thì họ sẽ không dám lái xe rời đi. Tuy nhiên, trường hợp như thế khá hiếm" - chị Hằng nói.
Liên quan nội dung cam kết, đại diện PC08 khẳng định biện pháp tuyên truyền của đơn vị không có yêu cầu hành chính, buộc chủ quán nhậu báo tin cho công an nếu có khách lái xe rời quán sau khi đã uống rượu, bia.
Tuy nhiên, CSGT sẽ có mặt nếu nhận được tin báo từ người dân (trong đó có các chủ nhà hàng, quán nhậu) về các trường hợp phát hiện người say bí tỉ điều khiển phương tiện tham gia giao thông để kịp thời ngăn chặn, tìm hướng xử lý.
"Về hướng xử lý, CSGT sẽ can thiệp, không cho người này tự lái xe để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của họ cũng như an toàn của những người xung quanh. Đây là một trong những giải pháp ngăn chặn từ gốc nguyên nhân gây tai nạn giao thông là vi phạm nồng độ cồn. Không có chuyện chủ quán báo tin để CSGT đến xử phạt...
Nếu người say xỉn này tái phạm thì CSGT sẽ có hướng xử lý khác để giáo dục, răn đe hiệu quả hơn" – đại diện PC08 thông tin.
Vị này nói thêm rằng việc CSGT triển khai cho chủ hàng quán, điểm kinh doanh có bán rượu, bia ký cam kết còn nhằm nâng cao trách nhiệm của họ đối với "thượng đế" của mình dù khách đã ra khỏi quán.
"Theo luật, đã uống rượu bia thì không được lái xe. Nhưng thực tế, có không ít chủ nhà hàng, quán nhậu "ngó lơ" trách nhiệm đảm bảo an toàn cho khách hàng của mình sau khi đã sử dụng rượu, bia tại quán. Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, lực lượng CSGT TP đã phát hiện hơn 22.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó, có 21.912 xe máy.
Do đó, lực lượng CSGT rất cần sự đồng lòng, ủng hộ từ người dân, nhất là sự thể hiện trách nhiệm từ các chủ nhà hàng, quán nhậu, điểm kinh doanh có bán rượu, bia để giảm tối đa tai nạn giao thông do bia, rượu gây ra. Dù luật đã có chế tài rõ ràng nhưng xác định việc hình thành văn hoá giao thông cho người dân là quá trình không đơn giản, lực lượng CSGT vẫn đang nỗ lực không ngừng để tạo ra những chuyển biến tích cực, cụ thể như chiến dịch tuyên truyền "đã uống rượu bia thì không lái xe" thời gian qua, hướng đến mục đích kéo giảm tai nạn giao thông, vì sức khoẻ, an toàn của người dân" – vị đại diện nhấn mạnh.