Thời sự

Nền kinh tế Anh gặp nhiều khó khăn giữa lúc Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức

Theo hãng tin CNN, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã bị buộc phải từ chức ngày 7/7/2022 nhưng vẫn giữ tạm quyền cho đến khi bầu được người kế nhiệm. Động thái này diễn ra sau khi hàng loạt thành viên đảng cầm quyền rời nội các để phản đối Thủ tướng Johnson.

Những biến động trên chính trường diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế yếu kém tại Anh hiện nay với lạm phát lên mức cao nhất 40 năm, đi kèm với đó là giảm tốc tăng trưởng. Giá cả sinh hoạt leo thang đã khiến hàng triệu người nghèo Anh phải sống trong cảnh đói nghèo mùa đông vừa qua. Đó là chưa kể đến rủi ro chiến tranh thương mại với Liên minh Châu Âu (EU) sau khi Anh rời khối này, hay còn gọi là Brexit.

Nền kinh tế Anh gặp nhiều khó khăn giữa lúc Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức - Ảnh 1.

Lạm phát tại Anh lên cao nhất 40 năm

Ngay sau khi Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố từ chức, thị trường chứng khoán nước này đã tăng điểm, đồng Bảng thì tăng giá 0,75% sau khi xuống mức thấp nhất 2 năm vào đầu tuần này.

"Rõ ràng, đồng Bảng Anh đã mất giá do tình hình kinh tế diễn biến xấu, thậm chí có khả năng rơi vào suy thoái", giám đốc phân tích thị trường Walid Koudmani của XTB cảnh báo.

Cao nhất G7

Hãng tin CNN cho biết hầu như mọi nền kinh tế lớn đều chịu ảnh hưởng hậu đại dịch do đứt gãy chuỗi cung ứng, thế rồi cuộc xung đột Ukraine làm trầm trọng thêm tình hình tăng giá năng lượng-lương thực trên thế giới.

Tuy nhiên Anh lại là quốc gia phát triển chịu ảnh hưởng nặng nhất. Lạm phát tại đây đã lên 9,1% vào tháng 5/2022, mức cao nhất 40 năm và cũng cao nhất trong nhóm các nước công nghiệp G7. Thậm chí nhiều chuyên gia còn dự đoán con số này sẽ vượt 11% vào cuối năm nay bất chấp chính phủ có nâng lãi suất hàng loạt đi chăng nữa.

Tồi tệ hơn, thành tựu nổi bật của Thủ tướng Johnson là Brexit cũng đang khiến Anh thiếu lao động trầm trọng, qua đó gia tăng chi phí sản xuất và đẩy lạm phát đi lên. Thế rồi đồng Bảng yếu cũng khiến giá hàng nhập khẩu tăng mạnh, bởi thị trường Anh đã không còn an toàn để đầu tư nữa.

Hãng tin CNN nhận định xung đột Ukraine đã khiến giá năng lượng và lương thực tại Anh tăng lên mức tồi tệ chưa từng thấy trong nhiều thập niên, khiến những hộ gia đình nghèo buộc phải chọn lựa giữa giành tiền chống đói hay chống rét. Vô số các tổ chức nhân đạo, ngân hàng lương thực cho người nghèo tại Anh đã phải than khóc khi tình hình mất kiểm soát, đề nghị được chính phủ giúp đỡ.

Trên thực tế, chính phủ Anh đã cam kết phát 400 Bảng, tương đương 502 USD cho mỗi gia đình nhằm giúp người dân trả một phần tiền năng lượng sưởi ẩm. Đồng thời chính quyền London cũng đã thông qua gói thu thêm 5 tỷ Bảng, tương đương 6,3 tỷ USD tiền thuế với những hãng xăng dầu, khí đốt đang lãi lớn.

Nền kinh tế Anh gặp nhiều khó khăn giữa lúc Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức - Ảnh 2.

Tăng trưởng GDP của Anh

Thế nhưng như vậy vẫn chưa đủ bởi số liệu của Ngân hàng trung ương Anh (BoE) cho thấy thu nhập khả dụng của người dân nước này đã giảm mạnh thứ 2 trong lịch sử kể từ khi thu thập số liệu vào năm 1964. Nguyên nhân chính là do giá năng lượng-lương thực tăng quá cao và đà tăng giá này được dự báo là sẽ còn đi lên nữa vào cuối năm nay.

Hóa đơn năng lượng bình quân thường niên của các hộ gia đình Anh được dự đoán sẽ tăng 50% lên 3.000 Bảng, tương đương 3.600 USD vào mùa đông cuối năm 2022 khi mức giá trần mà các công ty được phép bán cho khách hàng bị nâng lên vào mùa thu này. Trước đó vào tháng 4/2022, chính phủ đã nâng mức giá trần này lên 54% trước đà tăng giá dầu khí cũng như đứt gãy chuỗi cung ứng từ Nga.

Đà tăng giá này đã khiến tiêu chuẩn sống của các hộ gia đình Anh giảm sút nghiêm trọng. Báo cáo của Resolution Foundation công bố ngày 4/7/2022 cho thấy mức lương bình quân của người Anh hiện nay vẫn tương đương như thời khủng hoảng năm 2008 bất chấp lạm phát tăng mạnh.

"Tình trạng không gia tăng thu nhập của các hộ gia đình nghèo trong hơn 20 năm qua đã khiến tiêu chuẩn sống của người Anh xuống mức tệ nhất lịch sử và chúng sẽ còn đeo bám tiếp trong 10 năm tới", chuyên gia kinh tế Adam Corlett của Resolution Foundation nhận định.

Tương lai u ám

Theo CNN, tăng trưởng yếu khiến thu nhập của người dân khó lòng được nâng cao bất chấp lạm phát tăng phi mã. Mặc dù tình hình giảm tốc tăng trưởng diễn ra hầu hết trên thế giới hậu đại dịch nhưng tình hình này lại cực kỳ nặng nề ở Anh, thậm chí dẫn đến rủi ro suy thoái nặng.

Trên thực tế, GDP của nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới này đã đi ngang vào tháng 2 và bắt đầu suy giảm vào tháng 3/2022. Đến tháng 4/3033, mọi thứ trở nên tồi tệ khi GDP của Anh được dự đoán suy giảm đến 0,3% với cả 3 mảng chính là dịch vụ, sản xuất, xây dựng đều đi xuống.

Số liệu của Tổng cục thống kê Anh cho thấy doanh số bán lẻ tại nước này trong tháng 5/2022 đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp.

Trong một báo cáo về ổn định tài chính được công bố đầu tuần, BoE đã thừa nhận nền kinh tế Anh đang xấu đi 1 cách toàn diện.

Nền kinh tế Anh gặp nhiều khó khăn giữa lúc Thủ tướng Boris Johnson tuyên bố từ chức - Ảnh 3.

Vào tháng 6/2022, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cảnh báo Anh đang rơi vào tình trạng giảm tốc tăng trưởng kèm lạm phát (Stagflation), qua đó có thể chỉ đi ngang với tăng trưởng 0% vào năm 2023. Nếu dự báo là chuẩn xác thì đây là mức tăng trưởng tệ nhất của một thành viên G7 trong năm tới.

Chưa dừng lại đó, tăng trưởng yếu sẽ rất có hại cho gánh nặng nợ công vốn đã tăng lên đến hơn 90% GDP. Chính phủ Anh đã phải chi mạnh tay trợ cấp người dân cũng như doanh nghiệp vượt qua đại dịch cùng khủng hoảng năng lượng, dẫn đến tình trạng nợ công tăng cao.

Nghiên cứu của Văn phòng trách nhiệm ngân sách (OBR) công bố vào tuần trước cho thấy nợ công của Anh có thể vượt 250% GDP trong dài hạn.

Đây là thông tin chẳng vui vẻ gì cho một đất nước đang lão hóa về dân số. Đồng thời, nợ công quá cao cũng khiến chính phủ không còn nhiều dư địa để cắt giảm thuế hay trợ cấp bằng ngân sách cho người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Brexit

Thủ tướng Johnson thành công thay thế người tiền nhiệm Theresa May khi bà thất bại trong việc đi đến một thỏa thuận Brexit với Châu Âu. Thế nhưng theo CNN, việc rời bỏ EU lại chẳng đem về cho Anh những lợi ích như đã từng được cam kết trước đây.

Báo cáo của OBR cho thấy kinh tế Anh bỏ lỡ hầu hết cơ hội hồi phục hậu đại dịch, khiến họ lâm vào rủi ro suy thoái cao hơn so với những thành viên G7 khác. Nhiều doanh nghiệp tại Anh nhận ra Brexit khiến thủ tục hải quan rườm rà hơn so với thời là thành viên EU.

Xin được nhắc lại Châu Âu là một trong những thị trường giao thương lớn nhất của Anh và chi phí xuất nhập khẩu vào đây đang tăng mạnh vì Anh không còn là thành viên EU.

Thêm nữa, Anh còn phải đàm phán lại với nhiều đối tác bởi những thỏa thuận thương mại trước đây EU từng ký giờ không còn hiệu lực với xứ sở sương mù.

"Mặc dù những thỏa thuận thương mại mới có thể cắt giảm các điều khoản bất lợi với Anh như EU đã từng đàm phán trước đây, thế nhưng cho tới thời điểm hiện tại, chưa có một hiệp định nào đạt được lợi ích như đã từng cam kết", báo cáo của OBR ghi rõ.

Số liệu chính thức công bố vào tuần trước cho thấy thâm hụt cán cân thanh toán của Anh đã tăng lên đến 8,3% GDP trong quý I/2022. Điều này đồng nghĩa Anh đang dựa dẫm ngày càng nhiều vào các nguồn vốn đầu tư nước ngoài khi nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu.

Trong bối cảnh đó, câu hỏi liệu rời bỏ EU có là sáng suốt đang khiến ngày càng nhiều người Anh khó trả lời hơn trước.

*Nguồn: CNN

Cùng chuyên mục

Đọc thêm