Như Thanh Niên đã thông tin, tại dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi), Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức tiền phạt tối đa làm cơ sở để áp dụng hình thức xử phạt không cần lập biên bản. Theo đó, với cá nhân vi phạm, mức phạt tiền tối đa tăng từ 250.000 đồng lên 2,5 triệu đồng; với tổ chức vi phạm, mức phạt tiền tối đa tăng từ 500.000 đồng lên 5 triệu đồng.

Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức phạt tiền được áp dụng hình thức xử phạt không cần lập biên bản (ảnh minh họa)
ẢNH: C08
Trong dự thảo, Bộ Tư pháp đánh giá hiện nay các hành vi vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước đang được quy định theo hướng tăng khung tiền phạt. Ngay tại dự thảo luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi cũng đang dự kiến quy định tăng mức tiền phạt tối đa đối với một số lĩnh vực. Cạnh đó, việc tăng mức tối đa của khung tiền phạt làm cơ sở để xác định xử phạt không cần lập biên bản sẽ góp phần đơn giản hóa thủ tục xử phạt, giảm thiểu các trường hợp phải lập biên bản vi phạm hành chính, giúp tiết kiệm thời gian và nguồn lực.
Trước đề xuất trên, có ý kiến băn khoăn việc tăng mức tiền phạt tối đa đồng nghĩa với mở rộng phạm vi, tăng thẩm quyền đối với người thi hành công vụ trong việc áp dụng thủ tục xử phạt không cần lập biên bản. Điều này liệu có dễ phát sinh tiêu cực?
Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Kết nối, Đoàn luật sư TP.Hà Nội, cho biết: "Xử phạt không lập biên bản không có nghĩa người vi phạm đưa tiền rồi người có thẩm quyền xử phạt giữ luôn, mà phải nộp lại vào kho bạc, đồng thời phải có chứng từ về việc nộp - thu tiền của người vi phạm".
Luật sư Hùng cũng cho rằng nguy cơ phát sinh tiêu cực nằm ở yếu tố con người, không phải do thủ tục xử phạt không cần lập biên bản hay việc tăng mức tiền phạt tối đa được áp dụng thủ tục này. "Người vi phạm chấp hành nghiêm việc nộp phạt, người có thẩm quyền xử phạt thực hiện đúng những gì pháp luật đã quy định thì chắc chắn không có tiêu cực. Ngược lại, nếu một trong hai phía có hành vi "không trong sáng", tiêu cực có thể phát sinh bất cứ ở khâu nào đó", ông nhấn mạnh.
Tiết kiệm thời gian và nguồn lực
"Việc Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa được áp dụng hình thức xử phạt không cần lập biên bản lên 2,5 triệu đồng với cá nhân, thay vì 250.000 đồng như hiện nay, theo tôi là rất phù hợp, và có lợi cho cả người xử phạt lẫn người vi phạm. Nó giúp giảm thủ tục xử phạt, giảm các trường hợp phải lập biên bản, nhờ vậy tiết kiệm được thời gian và nguồn lực. Nhiều ý kiến không nắm rõ, cứ tưởng là "tăng 10 lần mức tiền phạt" lại còn "không lập biên bản", sợ có tiêu cực. Hiểu vậy là không chuẩn", bạn đọc (BĐ) Hong Hai Nguyen nhận xét.
Cùng ý kiến, BĐ Trịnh Cường cho biết thêm: "Việc tạo điều kiện cho người vi phạm lẫn cơ quan chức năng như đề xuất trên nghĩ là rất cần thiết". Trong khi đó, BĐ Huy Ngoxuan ý kiến: "Theo tôi, vi phạm mà có hình ảnh, bằng chứng theo thời gian thực là phải phạt, không cần phải lập biên bản. Còn nộp phạt vào kho bạc ở đâu cũng được, cho đỡ mất thời gian đi lại của những người vi phạm. Bằng chứng vi phạm là: trích xuất camera, hình ảnh có thời gian hiển thị thời gian thực…".
Những băn khoăn
Bên cạnh nhiều ý kiến ủng hộ, cũng có không ít ý kiến tỏ ra băn khoăn. BĐ Binh Pham viết: "Trong bất cứ trường hợp xử phạt nào cũng đều phải lập biên bản. Chúng ta muốn chống tiêu cực triệt để thì cần thực hiện đầy đủ các bước chứng minh người vi phạm và người thực thi công vụ không thể làm sai...". BĐ Nguyễn Văn Đức Phạt bày tỏ: "Phạt 250.000 đồng thì không cần biên bản, nhưng phạt 2.500.000 đồng nhất định phải có biên bản".
Đáp lại các ý kiến trên, BĐ Danhla251188 cho biết: "Việc không lập biên bản không có nghĩa là nộp tiền "nóng" nhé! Và việc không lập biên bản đã được áp dụng từ lâu rồi. Chỉ là lần này Bộ Tư pháp đề xuất tăng mức phạt tiền tối đa làm cơ sở để áp dụng hình thức xử phạt không cần lập biên bản". BĐ Thanh Nguyen nói thêm: "Nghĩa là chỉ lập quyết định xử phạt vi phạm hành chính tại chỗ, bỏ bớt biên bản để đơn giản thủ tục, tiết kiệm thời gian… Chứ tiền phạt thì vẫn thu vào ngân sách".
"Tôi thấy luật sư Nguyễn Ngọc Hùng nói rất đúng: nguy cơ phát sinh tiêu cực nằm ở yếu tố con người, không phải do thủ tục xử phạt không cần lập biên bản hay việc tăng mức tiền phạt tối đa được áp dụng thủ tục này. Điều quan trọng, là công dân thì phải chấp hành nghiêm luật pháp, và nếu bạn chấp hành tốt pháp luật thì có gì mà phải lăn tăn với có lập biên bản hay không lập biên bản?", BĐ Hau Nguyen ý kiến.
Phạt để răn đe, để người dân ý thức hơn mà chấp hành nghiêm luật lệ về giao thông.
Võ Duy Linh
Muốn xử phạt phải có hình ảnh, bằng chứng để đối chứng, và người vi phạm phải có biên bản xử phạt, còn nộp phạt có thể là nộp ở các ngân hàng hoặc kho bạc, tùy ý.
dinhvankhieu41975