Tài chính

Trước khi về “chung một nhà”, quy mô kinh tế của Hải Phòng và Hải Dương ra sao?

Tóm tắt:
  • Hải Phòng đứng top 5 cả nước về GRDP, Hải Dương xếp thứ 11, cả hai đều mạnh về công nghiệp và dịch vụ.
  • Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất 34 tỉnh, thành phố sau sáp nhập, bao gồm Hải Phòng và Hải Dương.
  • Ông Lê Tiến Châu yêu cầu nghiên cứu phương án sáp nhập, đảm bảo lợi ích cho người dân và doanh nghiệp.
  • GRDP của Hải Phòng năm 2024 đạt 445.995 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần Hải Dương với 212.386 tỷ đồng.
  • Hải Phòng thu hút 120 dự án FDI năm 2023, trong khi Hải Dương thu hút 83 dự án, với số vốn đăng ký lần lượt là 3,62 tỷ USD và 1,31 tỷ USD.

Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố, trong đó có 28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương.

Tại hội nghị Thành ủy Hải Phòng lần thứ 19 vừa diễn ra, ông Lê Tiến Châu - Bí thư Thành ủy Hải Phòng, đã yêu cầu Đảng ủy UBND thành phố chủ động nghiên cứu phương án tối ưu trong việc sáp nhập với Hải Dương.

Hai địa phương sẽ tổng hợp, thống kê các cơ chế đặc thù áp dụng cho các ngành, lĩnh vực đã được HĐND mỗi tỉnh thông qua để đề xuất phương án xử lý sau khi sáp nhập, phù hợp với hướng dẫn của Trung ương. Trên tinh thần chính sách nào ưu việt hơn, có lợi cho người dân và doanh nghiệp hơn thì tiếp tục duy trì để người dân hai địa phương được thụ hưởng kết quả từ việc sáp nhập.

Số liệu của Cục Thống kê cho thấy, quy mô GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) theo giá hiện hành của Hải Phòng trong 6 năm trở lại đây luôn trong xu hướng tăng mạnh, bất chấp đại dịch Covid-19.

Cụ thể, năm 2019, GRDP của thành phố này ở mức gần 248.417 tỷ đồng thì năm 2024 đã vọt lên ngưỡng 445.995 tỷ đồng, tăng 79,5% (tương đương tăng 197.578 tỷ đồng), đồng thời đứng top 5 cả nước.

Đáng chú ý, GRDP của Hải Phòng năm 2024 gấp hơn 2 lần con số 212.386 tỷ đồng của Hải Dương.

Trong 6 năm qua, GRDP của Hải Dương cũng duy trì đà tăng ổn định, từ 127.939 tỷ đồng năm 2019 tăng lên 212.386 tỷ đồng năm 2024, tức tăng 66%. Hiện, Hải Dương xếp thứ 11 cả nước về quy mô GRDP.

Đây cũng là hai địa phương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với thế mạnh về phát triển công nghiệp và xây dựng, dịch vụ.

Theo đó, trong cơ cấu GRDP của Hải Phòng, công nghiệp và xây dựng chiếm 52,6%, dịch vụ 38,49%.

Với Hải Dương, công nghiệp và xây dựng chiếm 56,05%, dịch vụ 26,52% trong cơ cấu GRDP.

GRDP bình quân đầu người của Hải Phòng cũng tăng mạnh, từ 122,2 triệu đồng năm 2019 lên 187,9 đồng/người/năm vào năm 2023. Giai đoạn 2019-2023, GRDP bình quân đầu người của thành phố này tăng trung bình 13,14 triệu đồng/người/năm.

Trong khi đó, GRDP bình quân đầu người của Hải Dương từ 66,8 triệu đồng năm 2019 đến 2023 đã tăng lên 95,8 triệu đồng/người/năm, tương đương tăng trung bình 5,8 triệu đồng/người mỗi năm.

Xét về dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), Hải Phòng luôn nằm trong top đầu các địa phương thu hút dòng vốn FDI ở nước ta. Năm 2023, thành phố này thu hút 120 dự án FDI, với số vốn đăng ký hơn 3,62 tỷ USD.

Trong khi đó, Hải Dương cũng thu hút 83 dự án FDI, với số vốn đăng ký 1,31 tỷ USD.

Về thu ngân sách nội địa của Hải Phòng, số liệu thống kê cho thấy, năm 2023 đạt gần 43.472 tỷ đồng, gấp 1,6 lần con số 27.016 tỷ đồng của năm 2019. 

Tại Hải Dương, thu ngân sách nội địa từ năm 2019 đến 2023 có sự tăng giảm đan xen. Theo đó, năm 2019, thu ngân sách nội địa của tỉnh này đạt gần 16.096 tỷ đồng, sau đó giảm mạnh ở năm tiếp theo và lấy lại đà tăng lên 18.402 tỷ đồng vào năm 2021.

Năm 2022, thu ngân sách nội địa của Hải Dương lại giảm, đến 2023 phục hồi và số liệu sơ bộ được Cục Thống kê công bố tại Niên giám thống kê là đạt 18.823 tỷ đồng. Số liệu chính thức được tỉnh Hải Dương cung cấp cho thấy thu ngân sách năm 2023 của tỉnh này đạt 19.698 tỷ đồng, có chênh lệch so với con số sơ bộ của Cục Thống kê.

Còn số liệu được thành phố Hải Phòng công bố cho thấy thu ngân sách năm 2023 của địa phương này là 43.466 tỷ đồng.

(bài viết sử dụng dữ liệu tại Niên giám thống kê năm 2023 của Cục Thống kê - Bộ Tài chính, trong đó số liệu năm 2023 là số liệu sơ bộ)

Các tin khác

Chứng khoán giảm sâu

FPT giảm hết biên độ và không có bên mua, trở thành tác nhân chính khiến VN-Index mất 17 điểm, nối mạch giảm 2 phiên liên tiếp.

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Cảnh sắc vùng Trấn Biên nhìn từ trên cao

Sáng 11/4, 36 khối của các lực lượng vũ trang đã tham gia buổi hợp luyện đầu tiên cùng với các phi đội để chuẩn bị cho Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025). Từ buồng lái trực thăng, non nước vùng Trấn Biên (tên gọi trước của Đồng Nai) hiện ra rực rỡ trong ánh bình minh.