ThS.BSNT. Đào Thị Thu, Trung tâm Thận Tiết Niệu và Lọc máu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết như trên, thêm rằng hội chứng thận hư đặc trưng bởi 3 dấu hiệu là protein niệu cao (trên 3,5g/24h), giảm albumin máu và phù. Bệnh gặp ở cả trẻ em và người lớn, có thể nguyên phát (tổn thương tại thận) hoặc thứ phát do các bệnh như tiểu đường, lupus, nhiễm trùng, ung thư...
Nguyên nhân thận hư chủ yếu do lầm tưởng rằng hết phù hoặc xét nghiệm cải thiện là đã khỏi bệnh. Ngoài ra, một nguyên nhân khác là lo lắng tác dụng phụ của thuốc nên tự ý ngừng uống mà không trao đổi với bác sĩ.
Thực tế, hội chứng thận hư cần điều trị lâu dài, bao gồm giai đoạn tấn công để đạt được đáp ứng hoàn toàn, sau đó là điều trị duy trì để đáp ứng ổn định, thời gian điều trị tùy thuộc vào đáp ứng của mỗi bệnh nhân. Tự ý dừng thuốc khiến tổn thương thận tiến triển trở lại, dẫn đến bệnh tái phát với nhiều các biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, nhiễm trùng, thậm chí suy thận nặng cần phải lọc máu.
Phù là biểu hiện thường gặp và rõ nhất, thường xuất hiện ở mặt (như mí mắt sưng) vào buổi sáng, sau đó lan xuống chân. Phù tiến triển nhanh, trường hợp nặng có thể gây tràn dịch đa màng như tràn dịch ổ bụng, màng phổi, màng tim. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tiểu ít, nước tiểu nhiều bọt do protein niệu cao, một số bệnh nhân có thể tiểu máu. Khi có các dấu hiệu này, cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Trong điều trị, quan trọng nhất là cần xác định hội chứng thận hư nguyên phát hay thứ phát để quyết định có điều trị đặc hiệu bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch hay không. Đảm bảo cân bằng giữa lợi ích điều trị và tác dụng phụ của thuốc.
Hội chứng thận hư nếu không kiểm soát tốt có thể gây nhiều biến chứng đe dọa tính mạng. Đáng chú ý nhất là nhiễm trùng (như viêm phổi, viêm mô tế bào, viêm phúc mạc tiên phát), huyết khối (tắc mạch chi dưới, tắc mạch phổi, mạch não), suy thận (suy thận cấp, suy thận mạn), rối loạn điện giải và cả biến chứng liên quan đến tác dụng phụ của thuốc. Đây là lý do bệnh nhân cần tái khám định kỳ, tuân thủ điều trị và cần được theo dõi sát sao bởi bác sĩ chuyên khoa thận.
Cơ chế gây huyết khối liên quan đến nhiều yếu tố, bao gồm: Khi bệnh nhân tiểu ra quá nhiều protein, albumin trong máu sẽ giảm, làm nước thoát ra khỏi lòng mạch, máu trở nên "đặc hơn". Albumin giảm, gan sẽ "bù đắp" bằng cách tăng sản xuất các yếu tố đông máu, đồng thời giảm chất chống đông tự nhiên như antithrombin III.
Cả hai lý do trên đều dẫn đến dễ hình thành cục máu đông ở tĩnh mạch sâu (chân, thận) hoặc động mạch phổi. Nếu cục máu đông di chuyển lên phổi, bệnh nhân có thể tử vong do tắc mạch phổi cấp. Để phòng ngừa, với những bệnh nhân có nguy cơ cao, bác sĩ thường cho bệnh nhân dự phòng bằng các thuốc chống đông, đồng thời khuyến cáo bệnh nhân vận động nhẹ nhàng, uống đủ nước.
Để phòng tránh các biến chứng, bệnh nhân cần tuân thủ điều trị, không tự ý ngưng thuốc dù thấy đỡ phù. Việc tự ý bỏ thuốc sẽ làm bệnh tái phát nặng hơn. Cần tái khám theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, trước khi hết thuốc một ngày, bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu, nước tiểu để điều chỉnh phác đồ kịp thời, không tự ý mua thuốc uống theo đơn cũ.
Dinh dưỡng khoa học như ăn đủ đạm (1-1.5g/kg/ngày), giảm muối ( dưới 2g/ngày), hạn chế đồ ngọt và chất béo xấu. Tiêm phòng cúm hàng năm, tiêm vaccine phòng phế cầu, viêm gan B là "áo giáp" bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
Xác định "khỏi bệnh" khi bệnh nhân đã kết thúc liệu trình ức chế miễn dịch mà vẫn duy trì protein niệu âm tính, albumin máu bình thường, chức năng thận ổn định, và không phù trong ít nhất một năm. Dù vậy, ngay cả khi khỏi bệnh, bệnh nhân vẫn cần theo dõi lâu dài vì tỷ lệ tái phát cao. Tuyệt đối không tự ý ngừng thuốc khi không có chỉ định của bác sĩ dù đã hết phù.