Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Mã: FMC) mới công bố báo cáo tài chính quý I/2025 với doanh thu thuần tăng vọt 36% lên 1.990 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp cũng tăng mạnh lên 127 tỷ đồng, tuy nhiên biên lợi nhuận đã giảm từ 6,6% về 6,4%.
Chi phí bán hàng đột biến 88 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ gây tác động tiêu cực đến doanh nghiệp. Sao Ta theo đó chỉ còn lãi trước thuế 36 tỷ đồng, giảm 37% so với kết quả quý I/2024. Đây là mức thấp nhất từ 2021 đến nay và giảm 81% so với quý liền trước.

Lợi nhuận Sao Ta rơi về vùng đáy 16 quý. Nguồn: HL tổng hợp.
Phía doanh nghiệp lý giải việc giảm lợi nhuận là do giá nguyên liệu tiếp tục tăng cao và áp lực trả nợ các đơn hàng ký trước của năm 2024, do đó không đạt như kế hoạch.
Tại kỳ họp cổ đông thường niên mới đây, lãnh đạo Sao Ta nói đã xuất khẩu nhiều vào thị trường Mỹ trong quý đầu năm để ổn định công ăn việc làm cho người lao động và giữ doanh số thị trường này, nên doanh thu tăng mạnh.
Tuy nhiên, hoạt động nuôi tôm đầu năm chết nhiều nên giá nguyên liệu tăng cao, trong khi tỷ suất lợi nhuận ở thị trường Mỹ rất thấp đã ảnh hưởng đến lợi nhuận.

Nguồn: HL tổng hợp.
Năm 2025, Sao Ta đặt mục tiêu sản lượng tôm thành phẩm tiêu thụ 22.000 tấn và 1.300 tấn nông sản tiêu thụ. Doanh số chung ước đạt 255 triệu USD, tăng gần 2% so với mức kỷ lục năm 2024; song tổng lợi nhuận trước thuế giảm nhẹ về 420 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả đạt được trong quý đầu năm, công ty xuất khẩu tôm này mới thực hiện được gần 9% về chỉ tiêu lợi nhuận.
Sao Ta vẫn duy trì được bảng cân đối kế toán lành mạnh với tổng tài sản được mở rộng thêm 10% lên gần 4.200 tỷ đồng; trong đó lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng nhảy vọt 36% lên 1.658 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 40% tài sản.
Công ty cũng đẩy mạnh vay nợ với số dư hơn 1.300 tỷ đồng, tăng 45% so với đầu năm, đều là nợ ngắn hạn. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối gần 918 tỷ, cao hơn cả vốn điều lệ ở mức 654 tỷ đồng.
Năm 2024, Sao Ta xuất khẩu nhiều nhất vào thị trường Mỹ với tỷ trọng 33% (khoảng 80 triệu USD); tiếp đến là Nhật Bản 28% và châu Âu 21%.
Thị trường Mỹ có tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nhưng quy mô và dung lượng lớn, mẫu mã chế biến đơn giản, tiêu thụ gần như rải đều cả năm, trong khi các thị trường khác có những khoảng trống tiêu thụ. Sao Ta xâm nhập thị trường này ở phân khúc cao nhờ lợi thế trình độ chế biến cao, khác với tôm Ấn Độ và Ecuardo ở phân khúc thấp.
Đối với rủi ro về áp thuế sau 90 ngày, theo các thỏa thuận hợp đồng, thuế nhập khẩu phát sinh sau khi ký hợp đồng thì bên mua chịu; giá tôm ký với khách hàng không có biến động do chưa vào cao điểm tiêu thụ.
Phía doanh nghiệp lo lắng rằng nếu khoảng cách chênh lệch với các đối thủ về thuế đối ứng trên 20% thì tôm Việt khó trụ ở Mỹ. Doanh số Sao Ta đến giữa tháng 5/2025 vào khoảng 60 triệu USD vào Mỹ.
Ban lãnh đạo cho biết đang tập trung chế biến giao hàng cho các hợp đồng đã ký để tranh thủ đợt hoãn thuế 90 ngày; đồng thời mở rộng thị trường Canada, Australia và chờ điều kiện chín muồi để thâm nhập thị trường Trung Quốc.