Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM vừa có văn bản phản hồi đến Tập đoàn VinGroup (gọi tắt là VinGroup) liên quan đến đề xuất phương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) kết nối trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ.
Trước đó, VinGroup đã có văn bản đề nghị UBND TPHCM cho phép doanh nghiệp này được chi kinh phí nghiên cứu, khảo sát đề xuất phương án đầu tư tuyến metro kết nối trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ, kết hợp với việc xây dựng cầu Cần Giờ (kết nối huyện Nhà Bè với huyện Cần Giờ).
Theo Sở GTVT, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường đã giao sở là đơn vị chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất UBND TPHCM về kiến nghị của VinGroup.
Sau khi nhận nhiệm vụ, Sở GTVT đã tổ chức cuộc họp với VinGroup cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM.
Hình ảnh minh họa về tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ. Nguồn:
Kết thúc cuộc họp trên, đại diện VinGroup thống nhất sẽ có văn bản gửi Sở GTVT để xác định rõ nội dung đề xuất nghiên cứu dự án, cụ thể gồm: phương án kỹ thuật; đối tượng phạm vi nghiên cứu; hình thức đầu tư; nguồn kinh phí nghiên cứu sơ bộ; quyền và trách nhiệm của các bên liên quan...
“Trên cơ sở đó, Sở GTVT sẽ tham mưu, đề xuất UBND TPHCM xem xét chấp thuận các thủ tục thực hiện dự án theo đúng quy định”- Sở GTVT cho biết.
Trước đó, VinGroup đã có văn bản gửi UBND TPHCM về việc tham gia nghiên cứu, khảo sát đề xuất phương án đầu tư tuyến metro kết nối trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ.
Tại văn bản này, VinGroup cho biết, hiện nay TPHCM đang tiến hành các thủ tục liên quan đến việc lập, thẩm định và phê duyệt Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 (gọi tắt là: “Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung”).
Về phương án quy hoạch giao thông tại Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM, hiện nay UBND TPHCM đang giao các sở, ban ngành chức năng nghiên cứu bổ sung tuyến metro từ trung tâm thành phố đi huyện Cần Giờ theo định hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Thành ủy TPHCM.
Bên cạnh đó, TPHCM đang lên kế hoạch triển khai việc đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ với mục tiêu khởi công công trình này vào dịp 30/4/2025 và hoàn thành vào năm 2028. Khi hoàn thành, công trình sẽ thay thế phà Bình Khánh, hiện là phương tiện duy nhất kết nối huyện Cần Giờ với khu vực trung tâm thành phố, đồng thời thúc đẩy phát triển các dự án khu lấn biển và cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Phối cảnh cầu Cần Giờ hiện nay. Ảnh: Sở GTVT TPHCM
Vingroup nhận thấy việc nghiên cứu đầu tư tuyến metro kết nối trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ theo chủ trương của TPHCM là hoàn toàn phù hợp với xu hướng, nhu cầu phát triển giao thông. Từ đó, nâng cao năng lực vận chuyển, đảm bảo sự kết nối giữa trung tâm TPHCM với huyện Cần Giờ.
Ngoài ra, việc kết hợp giữa đầu tư tuyến metro với đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ sẽ đảm bảo sự đồng bộ giữa hệ thống kỹ thuật của cầu Cần Giờ với tuyến metro, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ cũng như cầu cho tuyến đường sắt đô thị.
Chính vì các lý do trên, VinGroup đề nghị UBND TPHCM cho phép đơn vị được phối hợp với Sở GTVT và đơn vị tư vấn đang triển khai dự án cầu Cần Giờ nghiên cứu, khảo sát, tìm phương án phù hợp về kỹ thuật, hiệu quả về đầu tư để kết hợp hạng mục đường sắt đô thị với hạng mục cầu Cần Giờ.
Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, cầu Cần Giờ có điểm đầu nằm trên đường 15B (huyện Nhà Bè) theo quy hoạch, điểm cuối kết nối vào đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ), cách phà Bình Khánh khoảng 2,5 km về phía Nam. Tổng chiều dài dự án là 7,3 km.
Cầu được xây dựng theo dạng dây văng, quy mô 6 làn xe (4 làn cơ giới, hai làn thô sơ), vận tốc 60 km/h. Dự án được đề xuất thực hiện theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) với tổng vốn hơn 10.500 tỷ đồng (chưa tính lãi vay). Trong đó, ngân sách góp gần 50%, còn lại là vốn từ nhà đầu tư.
Như vậy, với đề xuất mới của VinGroup (nhà đầu tư), việc đầu tư cầu Cần Giờ sẽ được điều chỉnh theo hướng tích hợp với tuyến metro. Việc này nhằm giúp tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ cũng như xây dựng cầu cho tuyến metro.