Tài chính

Thay đổi cách làm metro số 5 ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn

Thay đổi cách làm metro số 5 ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn - Ảnh 1.

Với 43 cơ chế, chính sách đặc thù đột phá được đề xuất trong đề án, TP.HCM đặt mục tiêu hoàn thành 7 tuyến metro với tổng chiều dài 355km trong 10 năm - Đồ họa: VÕ TÂN

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan thường trực Hội đồng Thẩm định Nhà nước), dự án metro số 5 giai đoạn 1 đang được hội đồng tổ chức thẩm định. 

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo kết luận số 49 của Bộ Chính trị (đề án metro) đã được cấp có thẩm quyền họp cho ý kiến thông qua.

Bên cạnh đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060 đã trình thẩm định, dự kiến phê duyệt trong đầu năm 2025.

Không dùng vốn ODA để làm metro số 5

Thay đổi cách làm metro số 5 ngã tư Bảy Hiền - cầu Sài Gòn - Ảnh 3.

Hướng tuyến metro số 5 giai đoạn 1 được đề xuất trước đây - Ảnh: Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dự án metro số 5 có nhiều nội dung thay đổi theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung và đề án metro.

Cụ thể, theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, hướng tuyến metro số 5 sẽ được kéo dài. Đây là tuyến bán vành khuyên nối Nam sang Đông, kết nối trọng điểm phát triển Hưng Long (phía Nam) đến trọng điểm phát triển Trường Thọ (phía Đông) kết nối bến xe Cần Giuộc mới (Làng đại học Hưng Long), Bệnh viện Đại học Y Dược, Đại học Y Dược, Bệnh viện Hùng Vương, sân vận động Phú Thọ...

Còn theo đề án metro, metro số 5 có sự thay đổi về phương án đầu tư. 

Cụ thể, TP.HCM không phân kỳ tuyến metro số 5 thành 2 giai đoạn như trước đây mà đầu tư toàn tuyến. 

Tuyến metro số 5 sẽ nằm trong danh sách các tuyến ưu tiên đầu tư và hoàn thành công tác xây dựng, lắp đặt vào năm 2035. Về nguồn vốn, sẽ ưu tiên sử dụng ngân sách (không dùng vốn ODA) và nhiều cơ chế chính sách đặc biệt được đề xuất áp dụng.

Với các nội dung nêu trên, hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án metro số 5 không còn phù hợp với đề án metro đã được báo cáo cấp có thẩm quyền thông qua. Nhiều yếu tố như phạm vi, hướng tuyến, quy mô, nguồn vốn... đã có sự thay đổi, không còn phù hợp với hồ sơ đề xuất ban đầu.

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi trả lại toàn bộ hồ sơ dự án để hoàn thiện theo quy định.

Hội đồng thẩm định thành lập năm 2017 không còn phù hợp

Về tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án số 5, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay Hội đồng Thẩm định Nhà nước được Thủ tướng thành lập từ năm 2017. Hội đồng đã tổ chức cuộc họp thẩm định và đã có báo cáo kết quả thẩm định gửi TP.HCM hoàn thiện. Đến nay, các thành viên của hội đồng đã có nhiều thay đổi (do nghỉ hưu hoặc chuyển công tác...).

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương thực hiện tập trung sắp xếp tổ chức tinh gọn bộ máy và có phương án hợp nhất, sáp nhập các bộ, cơ quan nên chắc chắn là sẽ có sự thay đổi về tổ chức hoạt động của hội đồng. Hội đồng Thẩm định Nhà nước thành lập năm 2017 sẽ không còn phù hợp với tình hình thực tế.

Do đó, hội đồng phải được tổ chức thành lập mới bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và gắn với trách nhiệm các cơ quan có thành viên tham gia hội đồng sau khi hợp nhất, sáp nhập các bộ, cơ quan.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cũng đang cùng các cơ quan liên quan tham mưu UBND TP.HCM có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tạm dừng công tác thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị UBND TP.HCM sớm có ý kiến về đề xuất nêu trên của Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM trước ngày 21-1 để cơ quan thường trực của hội đồng xem xét, báo cáo Thủ tướng về việc tổ chức thẩm định dự án theo quy định.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm