Doanh nghiệp

Cha đẻ Gốm sứ Minh Long thực hiện được giấc mơ 2 thập kỷ

Đầu năm 2025, Gốm sứ Minh Long vừa có lễ khánh thành Bảo tàng gốm sứ trong tổng khuôn viên khoảng 120.000 m2. Được biết, bảo tàng chia thành 5 không gian, trưng bày các sản phẩm độc bản lần đầu tiên được Minh Long chế tác và giới thiệu.

Đây là giấc mơ mà ông Lý Ngọc Minh – doanh nhân sinh năm 1953 (Quý Tỵ) – đã ấp ủ 20 năm, mục đích lưu lại hành trình dòng họ Lý hơn 100 năm.

Ngay tại đại sảnh, bộ đèn chùm 100% bằng sứ, lớn kỷ lục với khối lượng hơn ba tấn, lấy cảm hứng từ truyền thuyết con rồng cháu tiên. Bức tranh Sen bốn mùa xuân- hạ- thu- đông biểu thị dòng chảy thời gian.

Theo Tổng giám đốc Lý Huy Sáng, điều khó nhất khi làm là lột tả vẻ đẹp thiên nhiên một cách mềm mại, tự nhiên trong khi sứ lại cứng, chắc. Bảo tàng hoàng tráng song khi hỏi về tổng đầu tư, ông Lý Ngọc Minh không chia sẻ con số cụ thể và nói rằng là “vô giá”.

Cha đẻ Gốm sứ Minh Long thực hiện được giấc mơ 2 thập kỷ- Ảnh 1.

Cha đẻ Gốm sứ Minh Long thực hiện được giấc mơ 2 thập kỷ- Ảnh 2.

Cha đẻ Gốm sứ Minh Long thực hiện được giấc mơ 2 thập kỷ- Ảnh 3.

Cha đẻ Gốm sứ Minh Long thực hiện được giấc mơ 2 thập kỷ- Ảnh 4.

Ảnh: Tất cả những tác phẩm làm hoàn toàn bằng sứ.

Chia sẻ về quá trình triển khai, vị này cho biết: "Mỗi tác phẩm tại đây, có cái mất 5-6 năm, 10 năm, thậm chí 20 năm mới xong, nhưng đều chứa trọn tâm tình của người thợ làm gốm, yêu cái đẹp”.

Ông kể, cách đây hơn 2 thập kỷ ông đã nghĩ đến việc xây dựng tại nhà máy một văn phòng có showroom trưng bày, nhưng canh cánh câu hỏi: "Nếu chỉ dừng lại ở sản xuất và trưng bày, liệu đã thật sự hoàn thành sứ mệnh của một hãng gốm sứ bài bản, có xứng tầm với vị thế của thương hiệu nổi tiếng?". Đó cũng là lúc ý tưởng về Bảo tàng gốm sứ Minh Long ra đời.

Với những thành phẩm trưng bày tại bảo tàng hôm nay, ông đã cho thế giới biết rằng, Việt Nam cũng có tác phẩm sứ tuyệt đẹp, được tạo nên từ con người tài hoa của đất nước. Các họa tiết cũng như mỹ thuật đặc sắc được sáng tạo và thể hiện qua công nghệ sản xuất tiên tiến, với chất liệu sứ cao cấp 1.380⁰C (tiêu chuẩn cao nhất của Đức).

"Di sản quý giá nhất mà chúng tôi để lại không phải nhà máy, thành tựu vật chất, đó là văn hóa doanh nhân, văn hóa doanh nghiệp, từ cách thức làm việc, sự chuyên môn bài bản và tinh thần cầu tiến luôn học hỏi. Đó mới là giá trị bền vững để thế hệ mai sau kế thừa, tiếp tục vươn lên, đạt nhiều thành tựu trong lĩnh vực gốm sứ cũng như lĩnh vực khác", ông Lý Ngọc Minh trải lòng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm