Thời sự

Việt Nam xuất hiện biến chủng BA.2.12.1 và tái xuất hiện ổ dịch chủng Delta

Chiều 21/7, tại hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2022 do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương chủ trì, TS Nguyễn Vũ Thượng, Phó Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, số ca mắc COVID-19 tại các tỉnh khu vực phía Nam giảm dần trong thời gian vừa qua.

Về kết quả giải trình tự gen, trong số hơn 30 mẫu được làm giải trình tự gen thì biến thể phụ BA.2 chiếm khoảng 30%, còn lại là BA.4, BA.5, đồng thời phát hiện thêm một số ca nhiễm biến thể phụ BA.2.12.1. Biến thể BA.2.12.1 cũng có khả năng lẩn tránh miễn dịch nhưng ít hơn BA.4, BA.5.

Theo TS. Nguyễn Vũ Thượng, những tuần trước, biến thể phụ BA.2 chiếm chủ yếu tại khu vực phía Nam. Tuy nhiên, 3-4 tuần gần đây lại xuất hiện ổ dịch của chủng Delta làm tăng số ca mắc.

TS Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, những ngày vừa qua, Việt Nam ghi nhận trung bình khoảng 900 ca mắc COVID-19 mới mỗi ngày, riêng ngày 20/7 ghi nhận 1.185 ca. Do đó, hệ thống y tế cần cảnh giác, không được chủ quan. Ngoài ra, trong cộng đồng nhiều người dân sau khi đã tiêm mũi cơ bản hoặc đã mắc COVID-19 có tâm lý chủ quan.

Tại khu vực phía Bắc, TS Ngũ Duy Nghĩa, Trưởng khoa kiểm soát Bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho hay, 6 tháng đầu năm, các tỉnh miền Bắc ghi nhận gần 7 triệu ca COVID-19, chiếm 95% tổng số ca mắc của toàn bộ đợt dịch từ đầu năm đến nay, chủ yếu cộng đồng, số nhỏ ca xâm nhập. Đỉnh dịch rơi vào tháng 3 với 5 triệu ca mắc, sau đó giảm dần, đến nay mỗi tháng ghi nhận gần 20.000 ca. Số ca mắc có tăng nhẹ trong 2-3 tuần gần đây.

Về kết quả giải trình tự gen, trong số hơn 360 mẫu được giám sát từ đầu năm thì phát hiện chủ yếu là chủng Omicron. Từ tháng 6, khu vực này phát hiện thêm biến thể phụ của Omicron là BA.5 tại Hà Nội, sau đó là tại Cao Bằng, Thái Bình, Nghệ An và Hải Dương./.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm