Thời sự

Vì sao cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hai lần được giảm án?

Mới đây, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở hai phiên phúc thẩm, xem xét đơn kháng cáo của cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội – Nguyễn Đức Chung về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, liên quan đến vụ mua chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm sông hồ và vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội.

Cụ thể, tại vụ án mua chế phẩm Redoxy-3C xử lý ô nhiễm sông hồ, ông Nguyễn Đức Chung ban đầu kháng cáo kêu oan, mong HĐXX xem xét lại bản án.

Quá trình xét hỏi tại tòa, HĐXX nhận thấy, ông Nguyễn Đức Chung từ kêu oan chuyển sang từ nhận hành vi sai phạm với trách nhiệm người đứng đầu thành phố, đồng thời, tác động gia đình nộp 25 tỷ đồng khắc phục hậu quả. Điều này thể hiện sự ăn năn, hối lỗi.

Mặt khác, HĐXX xét thấy tình trạng sức khỏe bị cáo hiện đang suy yếu khi mắc nhiều bệnh hiểm nghèo, liên tục phải điều trị; cùng với đó, khi còn công tác ông Chung có nhiều đóng góp, được tặng nhiều Huân, Huy chương, đặc biệt 2004 được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nên cần giảm nhẹ hình phạt. Do đó, cấp phúc thẩm quyết định giảm cho ông từ 8 năm tù xuống còn 5 năm tù giam.

Còn tại vụ án vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở KH&ĐT Hà Nội, ông Chung ban đầu cũng một mực kêu oan. Tuy nhiên, tại toà phúc thẩm, cựu Chủ tịch Hà Nội đã nhận trách nhiệm cá nhân nên được ghi nhận thêm tình tiết giảm nhẹ là thành khẩn khai báo.

Ngoài ra, ông xuất trình nhiều giấy khen, bằng khen khi còn công tác tại ngành công an và UBND TP Hà Nội; xuất trình các giấy tờ thể hiện sự đóng góp với xã hội trong các hoạt động thiện nguyện…nên toà chấp nhận giảm nhẹ hình phạt cho ông từ 3 năm xuống 2 năm tù giam.

Như vậy, sau hai phiên phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Chung được giảm tổng cộng 4 năm tù nhờ thái độ thành khẩn và khắc phục hậu quả trong các vụ án.

 Vì sao cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung hai lần được giảm án?  - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Chung.

Nêu quan điểm về việc cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung được giảm án, luật sư Hoàng Trọng Giáp (Giám đốc Công ty Luật TNHH Hoàng Sa) cho hay, ông hoàn toàn đồng tình với phán quyết của HĐXX TAND Cấp cao.

“Việc ông Chung chuyển từ kêu oan sang nhận trách nhiệm, tác động gia đình nộp đủ tiền khắc phục hậu quả được xem là các tình tiết giảm nhẹ mới, cần thiết được tòa ghi nhận”, luật sư Hoàng Trọng Giáp nói.

Luật sư Giáp cho rằng, pháp luật Việt Nam nhân văn, luôn khoan hồng với những người mắc sai phạm và biết nhận lỗi, sửa lỗi. Do đó, việc nộp tiền khắc phục cái sai, thành khẩn sẽ được xem xét giảm nhẹ một phần án phạt, bởi việc khắc phục tiền này tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước thu lại được tài sản thất thoát.

Trước đó, hôm 30/6, tại Hội nghị tổng kết 10 năm phòng chống tham nhũng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí cũng nêu kiến nghị: “Đề nghị cho chủ trương giao Ban Nội chính Trung ương hoặc Viện kiểm sát nhân dân tối cao nghiên cứu đề xuất cách làm theo hướng tăng phòng ngừa, giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả. Làm như vậy chúng ta sẽ thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để họ không bị xử lý hình sự nữa và chúng ta cũng không phải xử lý hình sự nhiều. Cách làm này vừa hiệu quả trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, vừa nhân văn và thuyết phục”.

Về đề xuất của ông Lê Minh Trí, tại buổi họp báo thường kỳ Bộ Tư pháp ngày 19/7, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự cho biết, hiện nay, nhiều quốc gia đã áp dụng việc này. Phía Tổng cục đã giao các đơn vị chuyên môn học tập kinh nghiệm quốc tế để vận dụng vào thực tiễn ở Việt Nam sao cho khoa học nhất.


Cùng chuyên mục

Đọc thêm