Điều này cũng đồng nghĩa với việc nền kinh tế lớn thứ 3 Liên minh châu Âu nhiều khả năng sẽ phải bước vào bầu cử sớm, với những tác động không chỉ đối với Italy, mà cả châu Âu.
Quyết định từ chức của Thủ tướng Mario Draghi được đưa ra sau khi 3 đồng minh chủ chốt trong liên minh cầm quyền của ông tẩy chay cuộc bỏ phiếu tín nhiệm diễn ra hôm qua tại Quốc hội. Đây cũng là nỗ lực cuối cùng của ông Draghi nhằm chấm dứt sự chia rẽ và hàn gắn liên minh cầm quyền
Trong phát biểu cuối cùng tại Quốc hội trước khi đệ đơn từ chức lên Tổng thống Mattarella, Thủ tướng Draghi tuyên bố: “Cảm ơn vì tất cả công việc chúng ta đã làm cùng nhau trong suốt thời gian qua. Với những gì diễn ra tại cuộc bỏ phiếu ngày hôm qua, tôi yêu cầm tạm dừng phiên họp Quốc hội này vì tôi đã quyết định đến gặp Tổng thống để thông báo với ông ấy ý định của tôi”.
Trước đó hôm 14/7, ông Draghi cũng từng đệ đơn từ chức, song không được Tổng thống Mattarella chấp nhận. Theo các nguồn tin Văn phòng Tổng thống Italy, Tổng thống Mattarella lần này đã nhận đơn từ chức và yêu cầu Chính phủ duy trì công việc hiện tại.
Thủ tướng Mario Draghi, 74 tuổi, được cho là “vị cứu tinh” của đồng euro và đóng vai trò quan trọng trong việc ổn định nền kinh tế lớn thứ ba Liên minh châu Âu khi khối này đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng chưa từng có và một cuộc xung đột ngay cửa ngõ. Chính vì thế việc Thủ tướng Italy từ chức và khả năng Italy phải bầu cử sớm được dự báo sẽ gây tác động không chỉ với Italy, mà cả châu Âu.
Hồi tuần trước ngay sau khi thông tin từ chức của ông Draghi xuất hiện, các thị trường tài chính đã ngay lập tức có phản ứng. Đồng euro giảm so với đồng USD, trong khi chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu của Italy và Đức, một chỉ báo rủi ro chính, cũng tăng lên. Tổng thống Mattarella dự kiến ngay ngày hôm nay sẽ gặp lãnh đạo hai viện Quốc hội và giới phân tích chính trị cho rằng nhà lãnh đạo này nhiều khả năng sẽ giải tán quốc hội, đồng thời kêu gọi bầu cử sớm vào tháng 9, thay vì chờ đến kỳ bầu cử năm 2023./.