Liên bộ Y tế và Tài chính đang xây dựng danh mục giá mới của 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng tính đủ. Chi phí quản lý là yếu tố lần đầu tiên được đưa thêm vào viện phí.
Thay đổi cách tính
Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư quy định phương pháp định giá dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB), trong đó có nội dung về cách tính giá dịch vụ KCB mới.
Cách tính viện phí mới sẽ áp dụng theo quy định trong Luật Khám chữa bệnh và Luật Giá hiện hành. Trong 4 nhóm chi phí sử dụng để tính giá, chi phí quản lý là yếu tố cấu thành mới được thêm vào trong xây dựng giá lần này và là lần đầu tiên được đưa vào viện phí. Bộ Y tế cho biết trong tháng 3 bộ sẽ ban hành định mức kinh tế kỹ thuật làm căn cứ tính giá đối với 10.000 dịch vụ y tế theo hướng tính đúng, tính đủ với 3/4 cấu phần kể trên.
Hiện tất cả bệnh viện công lập trên toàn quốc đang áp mức giá dịch vụ KCB theo Thông tư 21 và Thông tư 22 được Bộ Y tế ban hành tháng 11-2023, quy định về khung giá dịch vụ KCB của Nhà nước và giá dịch vụ KCB BHYT giữa các bệnh viện (BV) cùng hạng trên toàn quốc.
Giá dịch vụ KCB BHYT hiện hành được xây dựng trên cơ sở chi phí trực tiếp và tiền lương để bảo đảm cho việc KCB. Theo đó, giá dịch vụ KCB BHYT gồm giá dịch vụ khám bệnh, hội chẩn; giá dịch vụ ngày giường bệnh; giá dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm.
So với quy định cũ ban hành năm 2019, mức viện phí đang được áp dụng tăng khoảng 10% và được lãnh đạo nhiều BV cho là hợp lý, giúp cơ sở y tế tăng thêm nguồn thu từ BHYT để nâng chất lượng dịch vụ.
Với việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế sẽ được thực hiện vào tháng 7 tới đây, bà Đoàn Thị Kim Dung - Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính - cho biết việc định giá dịch vụ KCB bảo đảm các nguyên tắc bù đắp chi phí thực hiện KCB phù hợp với quy định, đồng thời hài hòa lợi ích của Nhà nước, cơ sở KCB và người bệnh.
Viện phí tăng khoảng 4%
Nói về lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết giá dịch vụ y tế hiện nay đã tính 2 yếu tố gồm: chi phí trực tiếp và tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng, tuy nhiên chưa tính chi phí quản lý; khấu hao tài sản cố định và chi phí khác.
Năm 2024 sẽ tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ KCB. Từ năm 2025 trở đi, sau khi đánh giá tác động cụ thể Bộ Y tế sẽ đề xuất từng bước kết cấu chi phí khấu hao vào giá dịch vụ KCB. Tuy nhiên việc điều chỉnh viện phí cũng cần căn cứ khả năng chi trả của người dân, khả năng cân đối quỹ BHYT. Vì vậy, quá trình thực hiện, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các bộ, ngành để đề xuất Chính phủ thời điểm điều chỉnh giá dịch vụ y tế cho phù hợp.
"Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế chỉ tác động đến 45% trong tổng phần thanh toán chi phí KCB (tiền thuốc máu, vật tư thanh toán theo thực tế sử dụng). Tuy nhiên, tỉ lệ dân số tham gia BHYT đã là 93,35% nên dù viện phí tăng thì chi phí tăng ở phần đồng chi trả cũng không quá cao" - ông Luận phân tích.
Tiếp tục cải thiện chất lượng
Lãnh đạo một số BV khẳng định tác động tích cực của việc tính đúng tính đủ giá dịch vụ y tế đã được nói rất nhiều. Các BV có thêm nguồn lực, chi phí để nâng cao dịch vụ chăm sóc KCB, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế để phục vụ nhu cầu của người dân.
Khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1-7, vấn đề tính đúng, tính đủ là cần thiết để duy trì hoạt động của BV. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Y tế, thời gian qua nhiều BV đã tham gia xây dựng định mức làm căn cứ để Bộ Y tế quyết định định mức chung.
PGS-TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc BV Bạch Mai, khẳng định nếu viện phí được tính đúng tính đủ chắc chắn sẽ cải thiện chất lượng dịch vụ do BV có nguồn đầu tư cho cơ sở vật chất, trang thiết bị và đãi ngộ y bác sĩ, có chi phí cho đào tạo chuyên môn để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật mới, nâng cao chất lượng KCB phục vụ người bệnh.
Khi đó, người dân sẽ được cung cấp dịch vụ đa dạng, có chất lượng cao ngay tại địa phương, hạn chế đi nước ngoài chữa bệnh. BV sẽ ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong việc nâng cao chất lượng KCB, mang lại sự hài lòng cho người bệnh.
Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam), cho biết khi viện phí được điều chỉnh theo hướng tính đúng, tính đủ, chắc chắn sẽ tác động đến quỹ BHYT, tuy nhiên điều chỉnh là cần thiết vì quỹ BHYT hình thành từ sự đóng góp của người tham gia để sử dụng cho KCB.
Quỹ BHYT càng lớn, quyền lợi của người tham gia càng được bảo đảm tốt hơn, chi trực tiếp từ tiền túi của người sử dụng dịch vụ y tế sẽ giảm và giảm gánh nặng từ ngân sách nhà nước cho KCB.
Ngân sách Nhà nước sẽ không chi trả trực tiếp cho các dịch vụ mà hỗ trợ thông qua việc mua BHYT, tăng mệnh giá BHYT để người dân được thụ hưởng dịch vụ tốt hơn hoặc tăng mức chi trả cho người tham gia nhằm giảm gánh nặng cho người dân.
Giảm chi tiền túi
Bộ Y tế cho biết mục tiêu đến năm 2025 là giảm tỉ lệ chi trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình cho y tế xuống còn 23%. Trong khi đó, phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT là một trong những yếu tố ảnh hưởng đến mức chi trả tiền túi từ hộ gia đình. Thống kê cho thấy tỉ lệ chi tiền túi của người dân cho chăm sóc sức khỏe đang chiếm tới 43%. Hiện Bộ Y tế đang đề xuất nhiều phương án nhằm giảm tỉ lệ chi tiền túi của người dân.
Không phải tăng mà chỉ điều chỉnh hợp lý
BSCKII Trần Văn Khanh, Giám đốc BV Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TP HCM), cho biết hiện BV có nhiều mục đang chi như bảo hành, bảo trì, bảo dưỡng máy móc, đào tạo, nghiên cứu khoa học... nhưng chưa có nguồn thu. Tự chủ tài chính nếu không có nguồn thu cùng quản trị không tốt thì không có tích luỹ để tái đầu tư.
Do đó, nếu tính đúng, tính đủ, có nguồn thu sẽ giữ chân được nhân viên y tế. Bên cạnh đó, khi tích luỹ được thì BV sẽ đầu tư vào cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị..., người bệnh được thụ hưởng, nhân viên y tế cũng an tâm làm việc.
"Để cơ cấu giá khám, chữa bệnh, hiện các đơn vị liên quan cũng đã tham mưu cho ngành y tế để ngồi lại tính toán chung, giá thu sẽ cơ cấu thành từng mục như công nghệ thông tin, bảo trì, bảo dưỡng máy móc... bao nhiêu, từ đó sẽ cơ cấu giá khám bệnh, giá các danh mục kỹ thuật. Tuy nhiên, để đưa ra cơ cấu giá này cần thận trọng và có lộ trình rõ ràng, bảo đảm tính minh bạch, công khai" - BS Khanh nói.
BS Khanh cũng cho biết năm 2023, mức lương cơ sở đã điều chỉnh từ 1,49 triệu lên 1,8 triệu đồng. Hiện Bộ y tế cho phép các đơn vị điều chỉnh giá khám bệnh theo mức lương cơ sở. Ví dụ, BV Lê Văn Thịnh là BV hạng I thì tiền công khám bệnh để BHYT thanh toán là 38.700 đồng, sau khi điều chỉnh hệ số lương thì hiện nay tiền công là 48.100 đồng.
BS Khanh cũng nhấn mạnh việc điều chỉnh giá cũng cần có những biện pháp hỗ trợ thiết thực cho người bệnh có hoàn cảnh khó khăn để họ không bị ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
"BV vẫn luôn lấy người bệnh làm trung tâm. Với những bệnh nhân 3 không (không có tiền, không có người thân, không có BHYT) thì cũng phải chữa trị cho họ. Thậm chí, có trường hợp có BHYT nhưng khi đồng chi trả với một số kỹ thuật cao (ví dụ thở máy dài ngày) nếu bệnh nhân không đủ chi trả thì BV cũng phải chịu phần này, trung bình 1 năm cũng khoảng 2-3 tỉ đồng cho chi phí này. Ngoài ra, hằng năm, BV vẫn có những hoạt động như tặng thẻ BHYT cho người bệnh lớn tuổi, khó khăn chưa có BHYT trên địa bàn. Điển hình, năm 2023, có 150 trường hợp được tặng BHYT để khám, chữa bệnh" - bác sĩ Khanh chia sẻ.
Theo bác sĩ Khanh, biện pháp để cải thiện tình hình tài chính cho BV là kêu gọi nguồn lực xã hội, vận động tài trợ để tăng thêm thiết bị, cơ sở vật chất.... Bên cạnh đó, bố trí vị trí việc làm tốt hơn và nâng cao năng lực của người lao động. Hiện BV này đang thực hiện KPI (chỉ số đánh giá hiệu quả công việc) nhằm nâng cao năng lực cho từng cán bộ viên chức, người lao động làm việc chuyên nghiệp, tích cực hơn. Đồng thời, đầu tư cho công nghệ thông tin góp phần tăng hiệu quả công việc.
Một lãnh đạo BV tuyến cuối hạng đặc biệt ở khu vực phía Nam cho biết tính đúng, tính đủ không phải là tăng viện phí mà chỉ là điều chỉnh chi phí viện phí hợp lý với các khoản chi mà BV bỏ ra để duy trì hoạt động nhưng chưa được tính vào giá dịch vụ khám chữa bệnh. Vị này đề xuất cần có quy định chuẩn về cách tính mới để có thể xây dựng cơ cấu giá phù hợp với từng loại dịch vụ và mong rằng các dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ và sớm đưa vào thực hiện.
H.Yến