Ngày 22/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tổ chức Hội nghị Doanh nghiệp và Đầu tư Ấn Độ-Việt Nam. Đây là dịp để lãnh đạo doanh nghiệp của tỉnh Bình Phước gặp gỡ, tiếp xúc với doanh nghiệp Ấn Độ - những đối tác tiềm năng luôn quan tâm, ủng hộ và sẽ góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Tỉnh Bình Phước có vị trí nằm ở khu vực chuyển tiếp từ Tây Nguyên xuống Đông Nam Bộ, giữ vai trò chiến lược, quan trọng trong hành lang kinh tế Đông Tây, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên và các cảng nước sâu, sân bay quốc tế, nhất là với Campuchia, Lào và Thái Lan.
Với các tiềm năng về quy hoạch đất đai, lao động, điều kiện tự nhiên thuận lợi, cảnh quan thiên nhiên đẹp, tỉnh Bình Phước chú trọng thu hút đầu tư vào ngành có thế mạnh như phát triển nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp sản xuất; công nghệ chế biến, đặc biệt phát huy thế mạnh về ngành điều và cao su của tỉnh; các ngành thương mại, dịch vụ và du lịch…
Bên cạnh việc thúc đẩy triển khai các dự án đầu tư, tỉnh Bình Phước rất quan tâm, tạo cơ chế thông thoáng nhất để đẩy mạnh kết nối hợp tác cho cộng đồng doanh nghiệp tại Bình Phước và Ấn Độ, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ của hai quốc gia bởi đây chính là động lực thực sự để đưa nền kinh tế của Ấn Độ và Việt Nam ngày càng xích lại gần nhau hơn.
Tại hội nghị, các doanh nghiệp Ấn Độ đã thảo luận, trao đổi sâu với các sở, ngành, đơn vị của tỉnh về các chính sách thu hút đầu tư tại tỉnh Bình Phước. Đặc biệt, doanh nghiệp Ấn Độ quan tâm trao đổi về chính sách thuế, các lĩnh vực, ngành nghề cũng như việc thu hút đầu tư vào địa phương trong tỉnh.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước Trần Quốc Duy cho biết Trung tâm luôn đánh giá cao tiềm năng và sự quan tâm của các nhà đầu tư và mong muốn doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn nữa vào tỉnh Bình Phước.
Đặc biệt, thế mạnh về kinh nghiệm, tài chính và kỹ năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp Ấn Độ, nếu được kết hợp với lợi thế của Bình Phước sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho cả hai bên.
"Tỉnh Bình Phước luôn sẵn sàng chào đón các nhà đầu tư. Trung tâm cam kết luôn sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh và triển khai xây dựng dự án của doanh nghiệp," ông Trần Quốc Duy nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Madan Mohan Sethi, Tổng Lãnh sự Ấn Độ tại Thành phố Hồ Chí Minh, đánh giá cao những tiềm năng trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu cũng như chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Bình Phước với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp của Ấn Độ quan tâm và tìm hiểu về Bình Phước.
Hiện nay, Bình Phước có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích 6.061ha, tỷ lệ lấp đầy gần 70%; Khu Kinh tế Cửa khẩu Hoa Lư với khoảng 28.364ha; trong đó có khoảng 1.622ha đất công nghiệp.
Giai đoạn 2021-2030, tỉnh Bình Phước dự kiến mở rộng thêm 10.400ha diện tích đất khu công nghiệp. Tỉnh đã thành lập 9 cụm công nghiệp; trong đó 1 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động và 8 cụm công nghiệp đang triển khai đầu tư. Trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh dự kiến thành lập 32 cụm công nghiệp với diện tích 1.827,41ha.
Ngoài quỹ đất sạch và các khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng trên địa bàn tỉnh, hiện tại, tỉnh đang xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Công nghiệp Sikico tại địa bàn huyện Hớn Quản với diện tích 655ha và vốn đầu tư dự kiến 3.000 tỷ đồng; Khu công nghiệp và dân cư Becamex Bình Phước với tổng diện tích 4.633ha và quy mô vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng. Đây là 2 khu công nghiệp được xây dựng quy mô, hiện đại, có điều kiện hạ tầng rất thuận lợi để ưu tiên cho thu hút các nhà đầu tư.
Bình Phước đã đưa vào hoạt động Trung tâm hành chính công - nơi duy nhất tiếp nhận việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư, thời gian giải quyết được rút ngắn bằng 1/3 so với quy định.